KỶ NIỆM 50 NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VÀ 35 NĂM KÝ HIỆP ƯỚC HỮU NGHỊ HỢP TÁC VIỆT NAM - LÀO
Nhìn lại kết quả hợp tác đầu tư giữa Dak Lak với các tỉnh Nam Lào
Khu vực Nam Lào gồm 4 tỉnh: Salavan, Sêkông, Atapư, Chămpasắk với diện tích 43.856 km2, dân số khoảng 1.200.000 người. Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, có khí hậu tương đồng với Tây Nguyên Việt Nam; có tiềm năng rất lớn và hết sức thuận lợi để hợp tác đầu tư phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong 8 năm qua, kể từ ngày Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak bắt đầu đầu tư vào đây, đến nay mới chỉ có thêm Công ty Sản xuất và Thương mại Thiên Phúc đầu tư 175 nghìn USD để xây dựng Nhà máy Sản xuất phân bón sinh hóa hữu cơ COMIX tại tỉnh Chămpasắk. Hiện nhà máy này đã đi vào hoạt động với sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 3.000 tấn/kế hoạch 6.000 tấn; doanh thu đạt 5.982 triệu kíp/10 tỷ kíp/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 2-3 triệu kíp/người/tháng (5-7,5 triệu đồng).
Đoàn cán bộ tỉnh ta chụp hình lưu niệm tại tỉnh Atapư. |
Đáng kể nhất phải nói đến Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak với những hiệu quả bước đầu hết sức khả quan trong việc phát triển hợp tác đầu tư tại các tỉnh Nam Lào. Từ năm 2004, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Chính quyền các cấp và nhân dân nước bạn Lào, Công ty đã khắc phục nhiều khó khăn, vừa tập trung đầu tư cho loại hình kinh tế trọng điểm (phát triển cây cao su) vừa mở rộng các loại hình kinh tế khác tạo sự phát triển đa dạng trên các địa bàn hợp tác đầu tư. Tại tỉnh Chămpasắk, sau 8 năm hợp tác, Công ty Cao su Dak Lak đã giải ngân 48 triệu USD, đạt 95% tổng vốn đầu tư, trồng được 5.910 ha cây công nghiệp (chiếm 65,7% diện tích công ty trồng tại các tỉnh Nam Lào), trong đó có 5.150 ha cao su, 461,34 ha điều và 299,37 ha cà phê (chiếm 97,4% diện tích cà phê tại Nam Lào). Nhìn chung, việc đầu tư trồng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Chămpasắk đạt kết quả tốt, cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Diện tích cao su khai thác mủ đợt đầu là 2.938,31 ha, sản lượng mủ khô 6 tháng đầu năm 2012 đạt 270 tấn, sản lượng điều đạt 153 tấn, cà phê năm 2011 đạt 780 tấn tươi (thu bói). Tại các vùng dự án của công ty đã thu hút 20 lao động gián tiếp người Lào với mức thu nhập bình quân 1,5 -3,5 triệu kíp/tháng/người (3,9 - 9 triệu đồng) và 752 lao động trực tiếp người Lào, thu nhập bình quân từ 800 nghìn đến 2 triệu kíp/người/tháng (2 triệu-5 triệu đồng). Bên cạnh đó, Công ty còn đào tạo nghề trên các lĩnh vực khác nhau cho 1.500 lượt người; hỗ trợ địa phương xây dựng trường tiểu học, hệ thống điện, nước sinh hoạt, sửa chữa đường giao thông, hỗ trợ giống cây trồng, xây dựng trạm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trong vùng dự án. Công ty cũng vừa xây dựng xong Nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Ba Chiêng với tổng vốn 3 triệu USD, đã đi vào sản xuất từ tháng 4-2012. Tại tỉnh Salavan, Công ty Cao su Dak Lak đã trồng 3.857,52 ha cây công nghiệp; trong đó có 3.850,16 ha cao su, 8 ha cà phê, thu hút 185 lao động trực tiếp là người Lào với thu nhập bình quân 800 nghìn đến 2 triệu kíp/ngưòi/tháng. Công ty đang chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Lao Ngam với công suất 10 nghìn tấn/năm. Ngoài việc hợp tác phát triển kinh tế, Công ty Cao su Dak Lak đã đầu tư xây dựng 17 công trình phúc lợi, dân sinh cho địa phương, trong đó có 5 đường điện, 2 đường giao thông liên bản, 1 trung tâm thương mại, 2 trường học, 2 trạm y tế… Tại tỉnh Atapư, Công ty Cao su Dak Lak đã trồng 54 ha cao su; 109,22 ha điều; 61 ha bạch đàn với tổng vốn đầu tư hơn 168 tỷ kíp.
Ngoài việc đầu tư hợp tác ở tỉnh Chămpasắk và tỉnh Salavan đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt (trong vùng dự án có điện thắp sáng, đường giao thông, trường tiểu học, trạm y tế, giải quyết lao động việc làm cho người dân, mức sống của nhân dân trong vùng dự án được nâng lên), thì ở các tỉnh Sêkông và Atapư mới dừng lại ở việc khảo sát và sản xuất thí điểm, hiệu quả kinh tế chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, các nhà đầu tư khác trên địa bàn tỉnh ta cũng chưa đến với các tỉnh Nam Lào trong khi đó, các tỉnh Nam Lào đã mở cửa hợp tác đầu tư với hàng chục tỉnh, thành phố của Việt Nam (Atapư hợp tác với 13 tỉnh và 2 thành phố của Việt Nam; Chămpasắk mở cửa hợp tác đầu tư với Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và 14 tỉnh, 3 thành phố của Việt Nam với phương châm xây dựng tỉnh chiến lược, huyện toàn diện, bản vững chắc).
Có thể nói, mặc dù việc hợp tác đầu tư với các tỉnh Nam Lào đã có những kết quả bước đầu song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong đó, có nguyên nhân do một số khó khăn như: chính sách và hành lang pháp lý của Lào trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài chưa đầy đủ; thủ tục nhập vật tư, thiết bị máy móc phức tạp và chi phí lớn; thủ tục lưu trú đối với lao động Việt Nam còn phức tạp, lệ phí cao; các nhà đầu tư tiếp cận văn bản pháp lý khó khăn; việc thực hiện các quy trình thủ tục hành chính còn chậm và chưa có quy trình cụ thể; nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh tại Lào còn thiếu, nguồn nhân lực tại chỗ thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; kết quả thu được từ hoạt động xúc tiến đầu tư giữa 2 nước còn thấp. Hiện nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào của tỉnh Chămpasắk đầu tư vào Dak Lak; còn về phía tỉnh ta, ngoài Công ty Cao su Dak Lak và Công ty Cổ phần Thiên Phúc, các doanh nghiệp khác cũng chỉ dừng lại ở mức khảo sát; trong khi đó phía các tỉnh bạn rất mong mỏi và sẵn sàng đón các doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư tại các tỉnh trên các lĩnh vực thuỷ điện, thương mại dịch vụ, du lịch, trồng cây cà phê, trồng tiêu, phát triển chăn nuôi đại gia súc, chuyển giao khoa học, công nghệ, vận chuyển hành khách Việt Nam – Lào – Thái Lan và mong muốn được gửi sinh viên học tập tại Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong chuyến đi thăm và làm việc với 4 tỉnh Nam Lào mới đây (từ ngày 8 đến 14-7), đoàn cán bộ cấp cao tỉnh ta đã ký kết Biên bản ghi nhớ với các tỉnh Nam Lào trên tinh thần đồng chí, anh em, chân tình, thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật nêu rõ những việc làm được, chưa làm được đề ra giải pháp khắc phục; xây dựng phương hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực hơn với mục tiêu tiếp tục nâng diện tích trồng cây cao su lên 10 nghìn ha, 1.500 ha điều, 500 ha cây cà phê; tiếp tục triển khai các nội dung chưa thực hiện được trong thời gian qua như khảo sát và xây dựng tua du lịch từ Dak Lak đến Chămpasắk sang Thái Lan, qua Campuchia về Việt Nam; hợp tác phát triển lĩnh vực văn hóa thể thao; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp hợp tác giao lưu nhân Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012 thông qua hoạt động của các tổ chức Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào.
Hoàng Chuyên
(Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Dak Lak)
Ý kiến bạn đọc