Nhân kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa VIII
Tổng hợp kiến nghị của cử tri và trả lời của ngành chức năng sau kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII
Sau kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), các tổ đại biểu đã tiếp xúc với gần 9.800 cử tri tại 110 điểm thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đợt tiếp xúc có 2.768 lượt cử tri tham gia ý kiến, phần lớn liên quan đến các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội. Báo Dak Lak xin lược trích một số kiến nghị của cử tri và trả lời của các ngành chức năng.
Lĩnh vực đất đai, nông, lâm nghiệp
°Ý kiến của cử tri các phường Thắng Lợi, Tân Lập và xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đề nghị UBND tỉnh thông báo kế hoạch cụ thể về thời gian tiến hành giải tỏa Dự án Khu du lịch sinh thái Suối Xanh, khu vực rạp 10-3 (nằm trên địa bàn phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) và Trung tâm bảo trợ (Chùa Vũ Thắng) để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất trên diện tích đất nằm trong quy hoạch:
Dự án Khu du lịch sinh thái Suối Xanh được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Cà phê Trung Nguyên làm chủ đầu tư, đã công bố quy hoạch chi tiết và đang triển khai lập Dự án đầu tư. Đến nay, Công ty đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt. Đồng thời, để bố trí tái định cư cho 168 hộ dân có đất ở trong vùng Dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty triển khai việc lập quy hoạch khu tái định cư trên trục đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột. Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phê duyệt, người sử dụng đất bị thu hồi sẽ được bồi thường theo quy định hiện hành.
Đối với khu vực rạp 10-3, ngày 10-1-2012 Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra thực tế và phối hợp với Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài chính thực hiện việc bàn giao theo đúng quy định trước ngày 20-2-2012. Sau khi nhận bàn giao vào ngày 7-2-2012, UBND TP. Buôn Ma Thuột có trách nhiệm xây dựng phương án quản lý, sử dụng và thông báo cho cử tri trên địa bàn biết thời gian giải tỏa khu vực rạp 10-3.
Đối với Dự án xây dựng Trung tâm bảo trợ (chùa Vũ Thắng), sau khi kiểm tra các hồ sơ liên quan, Sở Tài nguyên – Môi trường xác định là không nhận được hồ sơ nào xin giao đất của chùa Vũ Thắng để xây dựng Dự án này tại xã Hòa Thắng. Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Thắng chỉ có dự án xây dựng cơ sở Bảo trợ xã hội chùa Bửu Thắng, Sở Tài nguyên – Môi trường đã có công văn hướng dẫn việc lập hồ sơ giao đất để xây dựng nhưng đến nay Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ.
°Về kiến nghị của cử tri xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh việc một số hợp tác xã (HTX) quản lý quỹ đất không hiệu quả và đề nghị giao lại cho địa phương quản lý:
Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ, HTX có trách nhiệm rà soát, báo cáo tình hình sử dụng đất của HTX mình. Đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì HTX phải lập phương án sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên – Môi trường thẩm định và chuyển sang hình thức thuê đất. Đối với diện tích đất sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm thì thu hồi bàn giao về địa phương quản lý theo quy định tại Điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Trường hợp nêu trên, do cử tri không nêu tên cụ thể HTX quản lý, sử dụng đất không hiệu quả nên ngành chức năng không có cơ sở để kiểm tra và trả lời cụ thể.
°Kiến nghị của cử tri các phường Tân Lợi, Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) yêu cầu thông tin rõ sự việc năm 2010 tỉnh có chủ trương thu hồi đất trồng cà phê của một số hộ dân để giao cho Công ty Phú Thái nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến gì về bồi thường vườn cây, vậy khi nào dân mới được đền bù và ai chịu trách nhiệm vấn đề này:
Ngày 15-12-2008, UBND tỉnh có Công văn 5285/UBND-CN về việc thỏa thuận địa điểm xây dựng Trung tâm phân phối bán sỉ Phú Thái của Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái tại TP. Buôn Ma Thuột và đồng ý địa điểm xây dựng tại khu đất giáp Tỉnh lộ 8 và đường tránh phía tây Quốc lộ 14, phường Tân An. Ngày 2-3-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 523 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 của Dự án Trung tâm thương mại Phú Thái. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ trình UBND thành phố phê duyệt tại tờ trình số 190 ngày 9-4-2011. Vì chưa xác định được vòng xoay giao lộ giữa Tỉnh lộ 8 và đường tránh phía tây Quốc lộ 14 nên không trích lục được bản đồ, do đó, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi đất. Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất thì UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột chịu trách nhiệm thực hiện.
°Về ý kiến của cử tri huyện M’Drak đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết thu hồi một số diện tích đất có địa hình bằng phẳng của Công ty Lâm nghiệp M’Drak và Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho nhân dân:
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện việc rà soát đất của các Công ty Nông – Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đang quản lý, sử dụng để lập thủ tục thu hồi diện tích sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, đã bị lấn chiếm bàn giao về cho địa phương quản lý và bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ còn thiếu nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện cần đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ lớn theo dự án xây dựng thiết kế kỹ thuật-dự toán xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính các nông - lâm trường quốc doanh. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 167 ngày 12-1-2012 và đang chờ kinh phí để triển khai. Đối với kiến nghị của cử tri huyện M’Drak, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện M’Drak phối hợp với Công ty Lâm nghiệp M’Drak và Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu rà soát lại quỹ đất, đồng thời rà soát nhu cầu sử dụng đất của người dân lập phương án giải quyết đất ở và đất sản xuất cho dân, tại địa điểm cụ thể. Trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
°Về ý kiến của cử tri huyện Buôn Đôn kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết việc Công ty Tân Phương và UBND xã Krông Na lợi dụng việc nhân dân hợp đồng với Công ty Tân Phương trồng cao su để chiếm đất bán cho người khác:
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Buôn Đôn chỉ đạo ngành chức năng xác minh làm rõ việc Công ty Tân Phương nhận đất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được giao đất theo Chương trình 132 tại xã Krông Na để liên kết trồng cao su nhưng đã chiếm đất để bán cho người khác theo phản ánh của cử tri để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh và trả lời cho cử tri được rõ.
°Ý kiến của cử tri các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn đề nghị đóng cửa các xưởng cưa hoạt động trong rừng và bìa rừng để chấm dứt hoàn toàn việc tiếp tay phá rừng:
Hiện tại hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã được giao cho các chủ rừng quản lý và bảo vệ. Theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì các đơn vị chủ rừng phải có trách nhiệm quản lý và bảo vệ diện tích rừng được giao và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật khi rừng bị xâm hại. Do đó, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng thì trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ quản lý và bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm hỗ trợ các chủ rừng tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo pháp luật.
Năm 2011 diện tích rừng bị phá là 2.188,4 ha, xảy ra chủ yếu trong các vùng quy hoạch dự án trồng cao su và phát triển nông - lâm nghiệp do các chủ dự án không đủ năng lực để bảo vệ rừng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Trước tình trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm và chấn chỉnh tình trạng phá rừng, qua đó đã đình chỉ, tạm dừng và thu hồi 48 dự án để xảy ra phá rừng mà không có biện pháp quản lý, bảo vệ.
Đối với các xưởng cưa hoạt động trong rừng và bìa rừng, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình hoạt động của các xưởng cưa trên địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo… Sau khi kiểm tra, tất cả các xưởng cưa này đã bị đình chỉ hoạt động. Hiện tại, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
°Về ý kiến của cử tri huyện Ea Kar phản ánh tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép xảy ra tại Rừng bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, khu vực giáp ranh 2 huyện Ea Kar và Krông Năng:
Hiện tại, khu vực giáp ranh hai huyện Krông Năng và Ea Kar không có trạm kiểm lâm mà chỉ có trạm bảo vệ rừng của các chủ rừng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm lãnh đạo các hạt Kiểm lâm 2 huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tại khu vực này nhưng đến nay chưa phát hiện những hành vi như cử tri đã nêu. Đề nghị công dân nếu phát hiện cán bộ công chức kiểm lâm có hành vi tiếp tay cho nạn phá rừng thì phản ánh về Chi cục Kiểm lâm để xem xét và giải quyết theo đúng pháp luật.
(Còn nữa)
Kim Oanh (ghi)
Ý kiến bạn đọc