Multimedia Đọc Báo in

Phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”

14:44, 10/07/2012

Sáng 10-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng đông đảo đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã tham dự.

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức. Cuộc thi diễn ra dưới hai hình thức: thi viết; thi trắc nghiệm trên các website của đài, báo và các tạp chí điện tử. Đối tượng dự thi là tất cả người dân 2 nước Việt Nam, Lào. Cuộc thi chính thức được phát động ở nước ta vào ngày 12-4-2012, lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ tổ chức trọng thể chung giữa hai nước tại bảo tàng Bản Đông, tỉnh Sa-va-na-khẹt (Lào) vào tháng 12-2012.

Các đại biểu cùng đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang tham dự Lễ phát động Cuộc thi sáng 10-7
Các đại biểu cùng đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang tham dự Lễ phát động Cuộc thi của tỉnh

Để cuộc thi đạt kết quả cao và có sức lan toả sâu rộng, Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chủ động tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi ở cấp mình; phát động, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia dự thi cả hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết. Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi. Các cơ quan báo chí của tỉnh và hệ thống đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tích cực tuyên truyền về cuộc thi, đăng tải kế hoạch cuộc thi và các tư liệu lịch sử phục vụ nhân dân tìm hiểu để tham gia dự thi…

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2012) và 35 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác (1977-2012) giữa 2 nước Việt Nam – Lào. Thông qua cuộc thi nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt nam - Lào tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, từ đó góp phần vun đắp ngày càng tốt hơn mối quan hệ và tình đoàn kết trong sáng, mẫu mực thủy chung giữa 2 Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Hình thức dự thi.

1. Thi trắc nghiệm hằng tuần: Mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 3 câu hỏi, với các phương án trả lời trắc nghiệm có sẵn, trong đó có 1 phương án đúng. Người dự thi vào các chuyên trang Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào- Việt Nam và thực hiện các thao tác: điền các thông tin cá nhân theo yêu cầu và trả lời các câu hỏi bằng cách lựa chọn một phương án đúng, sau đó điền vào ô "Dự đoán " số người trả lời đúng, nhập "mã xác thực" và bấm vào ô "Trả lời". Trong mỗi tuần thi, mỗi người có thể tham gia nhiều lần nhưng tối đa không quá 10 lần/tuần. Trong trường hợp có số người dự thi (từ 2 người trở lên) cùng trả lời đúng các câu hỏi, cùng dự đoán chính xác số người trả lời đúng, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian gửi trả lời câu hỏi để trao thưởng cho người gửi trả lời sớm nhất. Thời gian thi trắc nghiệm hằng tuần được tính từ 10h00 thứ ba hằng tuần và hạn kết thúc vào 9h30 thứ ba tuần kế tiếp.

2. Thi Viết: Bài dự thi của tác giả phải là các tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách.... và phải chuyển tải được một trong các nội dung: những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào- Việt Nam; tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay; vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam... Bài dự thi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt với dung lượng tối đa 4.000 từ, không hạn chế việc sử dụng ảnh để minh họa thêm cho bài dự thi viết. Thời gian thi viết bắt đầu tính từ khi Ban Tổ chức Cuộc thi công bố Thể lệ Cuộc thi. Hạn cuối cùng nộp bài dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, thành phố là ngày 30-9-2012. Bài dự thi gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, thành phố qua Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy nơi người dự thi đang sinh sống, học tập và công tác. Đối với bài dự thi của cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang gửi về: Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an).

Hạn cuối cùng gửi bài dự thi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương
 là ngày 31-10-2012 (căn cứ vào dấu bưu điện). Địa chỉ nhận bài dự thi: Tạp chí Tuyên giáo – 49 Phan Đình Phùng – Hà Nội. Điện thoại: 080.44373 – 080.43478
Fax: 04.37330967

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.