Tổng hợp kiến nghị của cử tri và trả lời của ngành chức năng sau kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII
Lĩnh vực giao thông
°Ý kiến của cử tri TP. Buôn Ma Thuột phản ánh việc Quốc lộ 14 thi công kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công và thông báo kế hoạch, thời gian thi công công trình này cho người dân được biết.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh quản lý đầu tư xây dựng. Năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản tạm dừng thi công các gói thầu số 1, 2, 4 theo Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP ngày 24-11-2011 của Chính phủ. Hiện nay, UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để triển khai thi công hoàn thành tuyến đường nói trên.
°Cử tri huyện Ea H’leo kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Tỉnh lộ 15 và đoạn đường từ huyện Ea H’leo đi huyện Ea Súp nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương.
Dự án đường giao thông liên huyện Ea H’leo – Ea Súp dài 46 km được triển khai thi công năm 2006 có tổng mức đầu tư trên 245 tỷ đồng, đến nay nguồn vốn đã bố trí cho công trình là trên 137 tỷ đồng. Do nguồn vốn hạn chế, trong giai đoạn 1 (2006-2008) chỉ mới hoàn thành phần nền và cống thoát nước đoạn km0 – km 34. Hiện nay công trình đang triển khai giai đoạn 2, dự kiến đến năm 2013 sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục: cầu tại km28+522, mặt đường bê tông nhựa, hệ thống thoát nước trên 2 đoạn (km0 – km14 và km34 – km46). Giai đoạn 2013-2015 sẽ xây dựng tiếp mặt đường nhựa và hệ thống thoát nước đoạn km14 – km34 và kết thúc dự án. Hiện UBND tỉnh đã xin được nguồn vốn Trung ương hỗ trợ xây dựng công trình này, các đơn vị thi công đang tập trung thi công để sớm hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch.
°Cử tri huyện Krông Năng kiến nghị tuyến đường từ Dak Lak đi Phú Yên mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, lòng đường lại hẹp, cần sớm nâng cấp, sửa chữa.
Dự án đường liên tỉnh Dak Lak – Phú Yên đoạn từ cầu Dak Rung Ren đến Trung tâm huyện Krông Năng (nay là Quốc lộ 29) dài 54 km được xây dựng trong nhiều giai đoạn. Đoạn km0-km22 hoàn thành từ năm 2002; các đoạn km22-km33 và km43-km54 hoàn thành từ năm 2009; đoạn km33-km43 hoàn thành vào tháng 8-2011. Qua khảo sát nhận thấy, đoạn km0-km22 do mặt đường xây dựng được hơn 10 năm nên hiện đã bị hư hỏng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải xin vốn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để sửa chữa. Đối với một số vị trí mặt đường trên đoạn km22-km54 bị hư do nước ngầm, ngành chức năng đã yêu cầu nhà thi công tiến hành sửa chữa.
Lĩnh vực Y tế - Giáo dục
°Về việc cử tri tiếp tục phản ánh thực trạng khám, chữa bệnh của các y bác sĩ trong tỉnh chưa đáp ứng được chuyên môn, một số bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thái độ thiếu trách nhiệm với bệnh nhân và đề nghị bệnh viện sớm khắc phục tình trạng trên.
Đối với công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800 đến 1.200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó đối tượng đến khám chữa bệnh có thẻ BHYT chiếm khoảng 70-75%. Lưu lượng bệnh nhân đông gây áp lực lớn cho các y bác sĩ và gây quá tải bệnh viện, trong khi lực lượng bác sĩ của bệnh viện đang thiếu nên không thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Về tinh thần trách nhiệm của thầy thuốc đối với bệnh nhân, UBND tỉnh đã quán triệt ngành Y tế tổ chức thực hiện tốt 12 điều y đức để nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử của thầy thuốc đối với người bệnh và thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này hiệu quả mang lại chưa đạt được như mong muốn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có chỉ đạo kiên quyết hơn nữa đối với ngành y tế để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại nói trên.
°Cử tri phản ánh tình trạng mất vệ sinh ở các bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ảnh hưởng đến người bệnh và môi trường sống của người dân xung quanh đề nghị các đơn vị cần xem xét, chấn chỉnh kịp thời.
Hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 3 bệnh viên đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, 1 bệnh viện tư nhân và 1 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành tham gia khám chữa bệnh phục vụ nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo về việc tăng cường công tác vệ sinh các bệnh viện, thực hiện tốt Thông tư số 18/2009/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Qua ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy: các bệnh viện đã thành lập khoa hoặc tổ chống nhiễm khuẩn, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, phân loại thu gom chất thải. 100% bệnh viện thực hiện phân loại chất thải tại nguồn theo hệ thống túi màu quy định; 100% bệnh viện được kiểm tra có hợp đồng vận chuyển rác sinh hoạt ra bãi thải; 95,24% bệnh viện đã xử lý chất thải nguy hại bằng lò đốt chất thải y tế, chỉ có Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 thực hiện việc chôn lấp chất thải y tế không đúng theo quy định; 61,9% bệnh viện xử lý sau khi thu gom rác tại các khoa, phòng chưa bảo đảm vệ sinh, gây phát tán bệnh nguy hiểm ra môi trường. Việc phân loại và tập trung xử lý rác thải tại các bệnh viện được chú trọng, song tại các nhà tập trung chất thải y tế đều không có biển báo, vòi nước rửa tay theo quy định… Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo ngành Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải.
°Cử tri tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nêu lên tình trạng các trường mầm non trên địa bàn phải mượn hội trường thôn, nhà văn hóa cộng đồng để dạy và học, trang thiết bị thiếu thốn, ảnh hưởng lớn đến việc dạy học, đề nghị tỉnh có những chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho bậc học này, nhất là đối với vùng khó khăn.
Thời gian qua, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục mầm non luôn được quan tâm đầu tư, đặc biệt đã ưu tiên thực hiện trước việc xây dựng nhà lớp học mầm non từ nguồn kinh phí Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhưng do nhu cầu trẻ ra lớp cao, kinh phí để xây dựng các công trình phục vụ nuôi dạy trẻ ngày càng lớn nên đến nay, cơ sở vật chất thiết bị cấp học mầm non gặp nhiều khó khăn: còn 10 xã chưa có trường mầm non độc lập, 198 thôn, buôn chưa có nhà lớp học mầm non; phòng học nhờ, mượn; đồ dùng, đồ chơi ở các điểm lớp lẻ còn thiếu theo danh mục quy định… Để giải quyết cơ bản khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị tại các trường mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Giáo dục trong thời gian tới tập trung giải quyết những nội dung: ưu tiên nguồn kinh phí theo Nghị quyết 08/2010/NQ - HĐND của HĐND tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành mục tiêu 100% thôn, buôn có nhà lớp học mầm non, 100% xã có trường mầm non vào năm 2015; các huyện ưu tiên bố trí từ nguồn tỉnh bổ sung cân đối ngân sách để xây dựng trường mầm non; lập kế hoạch để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ để xây dựng phòng học, thiết bị từ năm 2013 theo quyết định số 239/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tỷ lệ chi thường xuyên (ngoài lương) cho hoạt động chuyên môn để có nguồn kinh phí mua sắm thiết bị; ưu tiên nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh trong mua sắm thiết bị giáo dục phục vụ chương trình giáo dục mầm non mới tại vùng khó khăn.
Kim Oanh (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc