Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đoàn kết, xung kích, năng động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ quê hương Dak Lak giàu mạnh, hội nhập và phát triển

08:41, 14/09/2012

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các vấn đề văn hóa - xã hội được chăm lo, phát triển; quốc phòng an ninh được củng cố, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và củng cố vững chắc. Có được những thành tựu ấy, trước hết là nhờ sự lao động sáng tạo và phấn đấu không ngừng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng, hiệu quả của tuổi trẻ các dân tộc tỉnh nhà, lực lượng năng động, sáng tạo, xung kích trên mọi lĩnh vực.

Nhiệm kỳ 2007-2012, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi, được cấp ủy, chính quyền và dư luận xã hội đánh giá tốt. Công tác giáo dục về các mặt đã có bước chuyển biến, phù hợp với từng đối tượng, khu vực đặc thù; phong trào hành động cách mạng đã tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, lấy hiệu quả làm thước đo chất lượng phong trào; chất lượng tổ chức, chất lượng đoàn viên ngày một nâng lên; đã kịp thời củng cố, kiện toàn các tổ chức Đoàn hoạt động trung bình, yếu, từng bước đủ sức định hướng và làm nòng cốt chính trị trong mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; công tác Đoàn tham gia xây dựng Đảng và góp phần xây dựng hệ thống chính trị đã có bước khởi sắc; đội ngũ cán bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh ngày càng trưởng thành, là nguồn cán bộ trẻ bổ sung cho Đảng và chính quyền các cấp. Đây chính là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực đoàn kết thống nhất của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn khóa IX cùng toàn thể cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN), tạo nên những thành tích của công tác Đoàn và phong trào thanh niên toàn tỉnh.

Có thể khẳng định, với vai trò hạt nhân của phong trào thanh niên, trong nhiệm kỳ qua, nhờ không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sát với khả năng, nguyện vọng và quyền lợi của tuổi trẻ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã tập hợp được ngày càng đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tích cực tham gia thực hiện các phong trào hành động cách mạng, có nhiều sáng tạo và những khâu đột phá tạo được dấu ấn tốt đẹp trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Đoàn trước sự phát triển và nhu cầu ngày càng đa dạng, đa chiều của thanh niên. Công tác giáo dục của Đoàn chưa thật sự được đầu tư đúng mức, hiệu quả giáo dục mang lại chưa như mong muốn. Đội ngũ cán bộ Đoàn có lúc còn thiếu năng động, sáng tạo, còn nhiều lúng túng trong việc triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Đoàn; khả năng tham mưu và vận dụng thực tiễn của nhiều cán bộ Đoàn còn hạn chế. Phong trào thanh niên phát triển không đồng đều, chất lượng đoàn viên, thanh niên trong các lĩnh vực, các đối tượng còn có khoảng cách. Chất lượng sinh hoạt ở một số chi đoàn còn thấp. Vẫn còn tình trạng một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém và thờ ơ về nhận thức chính trị, ỷ lại, thiếu ý chí chiến đấu, nhận thức về nhiều vấn đề còn lệch lạc, chưa chuyên tâm lao động, học tập, rèn luyện, còn bị chi phối bởi cuộc sống hưởng thụ, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, sa vào các loại tệ nạn xã hội, sống buông thả, thiếu trách nhiệm với chính bản thân và mọi người. Trong khi đó, thế lực thù địch đang ra sức lôi kéo, tìm mọi cách để tha hóa thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được xã hội quan tâm, trong đó tổ chức Đoàn có trách nhiệm rất to lớn.

Trước sự đổi mới toàn diện của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thế hệ trẻ hôm nay cần biết xác định cho mình quan điểm sống không chỉ bó hẹp trong đời sống riêng tư của cá nhân, của gia đình, mà phải biết vươn lên, gắn mình với xã hội, quan tâm tới mọi người, tới sự nghiệp chung của quê hương, đất nước. Đó chính là lý tưởng và hoài bão lớn của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục, rèn luyện thanh niên, tổ chức cho ĐVTN tham gia các phong trào cách mạng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của tổ chức Đoàn, đó cũng chính là niềm tin và kỳ vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với tổ chức Đoàn cũng như đoàn viên thanh niên.

Vì vậy, trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh trong nhiệm kỳ mới 2012-2017 cần tập trung nâng cao chất lượng và đầu tư đổi mới công tác giáo dục của Đoàn. Chú trọng giáo dục tuổi trẻ tỉnh nhà có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, cũng như quá trình phát triển kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay ở nước ta. Việc giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị cho tuổi trẻ cần cụ thể, gắn suy nghĩ với việc làm hằng ngày, gắn lý luận với thực tiễn nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức giáo dục; mạnh dạn áp dụng các mô hình giáo dục mới, tiếp tục quan tâm công tác giáo dục đạo đức, lối sống và pháp luật cho tuổi trẻ nhằm góp phần phòng ngừa tối đa tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Cần khơi dậy trong thanh niên ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từng bước xây dựng và hoàn thiện nhân cách, lối sống, phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi của thanh niên thời đại mới.

Tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng trong tuổi trẻ. Việc tổ chức và phát động các phong trào vừa phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vừa phải gắn với nhu cầu, lợi ích chính đáng, phù hợp với đặc điểm, khả năng của thanh niên. Mở rộng các loại hình khuyến khích thanh niên tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, động viên thanh niên tích cực thi đua học tập nâng cao trình độ. Tham mưu cơ chế hỗ trợ và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên, chú trọng tới thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện trên các lĩnh vực, động viên đông đảo thanh niên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đi đầu thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, nhất là việc tập trung giúp đỡ bà con và thanh niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng buôn làng no ấm, giàu đẹp. Đồng thời, cụ thể hóa nội dung xung kích xây dựng nông thôn mới thông qua việc triển khai, lựa chọn các nội dung của các tiêu chí để thực hiện một cách sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định phương hướng: “Xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước”. Đây chính là điểm quan trọng để tổ chức Đoàn nghiên cứu cụ thể hóa trong nội dung, giải pháp của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh trong nhiệm kỳ đến.

Cần thật sự coi trọng việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn đủ sức làm nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên. Tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chất lượng đoàn viên, kiên quyết không để cơ sở trắng và tái trắng tổ chức Đoàn - Hội, nhất là địa bàn thôn, buôn. Không ngừng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ Đoàn, đặc biệt là cán bộ chi đoàn đủ sức và ngang tầm trong việc triển khai và thực hiện các Nghị quyết, các chương trình hành động; cần có cách làm, phương thức phù hợp để mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo nhằm nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên vào tổ chức; có kế hoạch quan tâm và chăm sóc đặc biệt đối với thiếu niên nhi đồng. Đặc biệt, cần lưu ý đến khả năng định hướng, làm nòng cốt chính trị, đa dạng hóa các loại hình đoàn kết tập hợp thanh niên mà Chương trình số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa” đã đề ra. Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả cuộc vận động đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua nâng cao chất lượng chính trị của người đoàn viên, nâng cao tỷ lệ đoàn viên ưu tú giới thiệu được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu của các cấp bộ Đoàn với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Đây là yếu tố quan trọng để tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tạo sự đồng tình hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể của tỉnh đối với hoạt động của Đoàn thanh niên. Đội ngũ cán bộ Đoàn cần gương mẫu thực hiện việc học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiên phong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy trí tuệ tập thể, mạnh dạn tham mưu, tổ chức thực hiện.

NIÊ THUẬT

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.