Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII Trình Quốc hội nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm
Sáng qua (23-10), các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.
Việc xây dựng Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để QH, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân thay mặt nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ giúp nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người đảm nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu trước các cơ quan này cũng như trước cử tri cả nước và từng địa phương.
Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhận biết rõ sự đánh giá của đại biểu QH, HĐND về mức độ tín nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; trên cơ sở đó, có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bản thân…
Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cụ thể như sau: QH lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước (tổng số là 49 người).
Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên của Hội đồng, Ủy ban (tổng số là 380 người, trong đó mỗi Ủy ban có từ 30-50 thành viên).
HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND (2-3 người), Trưởng các Ban của HĐND (2-4 người); Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban Nhân dân (3-13 người).
Các ban của HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban (gồm từ 2 đến 4 ban, mỗi ban có từ 5-15 người).
Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của QH có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban Thường vụ QH để tổng hợp, báo cáo QH; các ban của HĐND có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực HĐND để tổng hợp, báo cáo HĐND cấp mình.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thể hiện sự nhất trí cao với đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH trình QH xem xét, thông qua Nghị quyết này.
Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định hiện hành của pháp luật thì QH, HĐND có quyền bầu hoặc phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước, do đó cần phải có cơ chế để QH, HĐND giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ các chức vụ này. Vì vậy, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức. Ý kiến này đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và góp ý kiến xoay quanh các vấn đề: Chính sách phát triển điện lực; hình thành và phát triển thị trường điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực...Trong đó, tập trung vào 2 nội dung: Giá điện và các loại phí; quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, nhiều ý kiến cho rằng, giá điện có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, từ sản xuất, kinh doanh , dịch vụ đến đời sống dân cư. Do đó, việc điều chỉnh giá điện đều phải cân nhắc thận trọng, xem xét tất cả các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện để có mức điều chỉnh giá điện hợp lý, phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô. Để góp phần hạn chế tình trạng độc quyền trong một số khâu, bảo đảm quyền lợi khách hàng sử dụng điện, cần công khai, minh bạch và có sự giám sát của người tiêu dùng bởi đây là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu tỏ ra lo ngại về các vấn đề: tình trạng phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách tràn lan, khó kiểm soát; điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người dân tái định cư; môi trường sinh thái...đặc biệt là vấn đề an toàn thủy điện và cho rằng đây là việc lớn có liên quan đến sinh mệnh của người dân, cần được đề cập một cách đậm nét hơn.
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc