Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH XUẤT BẢN, IN, PHÁT HÀNH SÁCH VIỆT NAM (10-10-1952 – 10-10-2012)

Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách – 60 năm một chặng đường phát triển

08:01, 05/10/2012

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách cũng đã có những bước phát triển nhanh, mạnh cả về chất và lượng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao dân trí, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đặc biệt góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các đơn vị xuất bản, in và phát hành đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, khẳng định vị trí, vai trò là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi nhiều tài liệu sách, báo để tuyên truyền, đấu tranh nên cần phải có một tổ chức thống nhất điều hành công tác in ấn, phát hành, theo đề nghị của Nha Tuyên truyền Văn nghệ (tiền thân của Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 10-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà In quốc gia. Nhà In quốc gia có nhiệm vụ thống nhất tổ chức và quản lý các nhà in của Chính phủ, điều chỉnh và bảo đảm việc in sách, báo tài liệu của Chính phủ và các đoàn thể nhân dân, phổ biến lưu thông các sách báo tài liệu trong nhân dân, giúp đỡ và hướng dẫn việc in và phát hành của các nhà xuất bản. Sắc lệnh 122/SL ra đời có ý nghĩa cực kỳ to lớn, giải quyết kịp thời việc in ấn, phát hành sách báo, tập trung mọi tiềm lực và khả năng phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục, từ đó mở ra thời kỳ mới cho sự nghiệp xuất bản ở nước ta.

Trải qua 60 năm hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã có bước phát triển vượt bậc trên cả 3 lĩnh vực (xuất bản – in – phát hành sách). Sách và xuất bản phẩm có nội dung ngày càng phong phú và đa dạng, nhiều ấn phẩm chất lượng cao đã được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các đơn vị xuất bản, in và phát hành đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn CHH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ký Sắc lệnh 122/SL, một tấm gương mẫu mực trong việc đọc và sử dụng sách báo.                                               Ảnh: Tư  liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ký Sắc lệnh 122, một tấm gương mẫu mực trong việc đọc và sử dụng sách báo. Ảnh: Tư liệu

Lĩnh vực xuất bản đã có nhiều tiến bộ và thành tựu to lớn, thích ứng dần với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về xuất bản phẩm của toàn xã hội. Các nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng sách cũng có bước phát triển mới. Nhiều bộ sách có giá trị cao thuộc nhiều lĩnh vực như: Sách nghiên cứu về chính trị, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, kinh tế và quản lý kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế… đã được xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc, với hình thức sách đa dạng, phong phú và đẹp hơn, hình thức trình bày và kỹ thuật in sách của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực. Điểm nhấn trong giai đoạn này ở chỗ, cơ cấu đề tài phân bổ hợp lý, bám sát và phục vụ có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Xuất bản đã góp phần xứng đáng vào thành công chung của toàn ngành và sự phát triển đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.

Lĩnh vực phát hành sách đã phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và đất nước. Số bản sách phát hành tăng, đặc biệt là sách in chữ của một số dân tộc thiểu số. Nhiều đơn vị phát hành sách đã chủ động tìm các biện pháp, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền giới thiệu sách, tổ chức nhiều đợt phát hành sách về cơ sở, tham gia tích cực các hoạt động triển lãm, hội chợ, sáng tạo trong tổ chức mạng lưới, hoạt động kinh doanh. Toàn ngành đã đầu tư xây dựng nhiều trung tâm, siêu thị sách, cửa hàng sách khang trang hiện đại tại 63 tỉnh thành phố.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, áp dụng tiến bộ và công nghệ mới đã gắn liền với hoạt động xuất bản, in, phát hành của toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc của toàn xã hội. Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản cũng được mở rộng và tăng cường. Quan hệ hợp tác xuất bản giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Nga, Đức, Trung Quốc, Pháp và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Xuất bản châu Á – Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA)…

Đồng thời, công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ ngành Xuất bản, In và Phát hành được quan tâm, đến nay trong toàn ngành có khoảng 73.000 lao động, nhìn chung, đội ngũ nguồn lao động đã đáp ứng được yêu cầu hoạt động của toàn ngành. Tuy nhiên, việc thiếu đội ngũ biên tập viên chuyên sâu đang đặt ra cho các nhà xuất bản và toàn ngành một vấn đề có tính cấp bách lại vừa lâu dài về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và phải có những cơ chế phù hợp để giữ được những người có tâm huyết, có năng lực gắn bó với hoạt động xuất bản.

Đối với tỉnh ta, đến nay trên địa bàn có khoảng 30 đơn vị được cấp giấy phép xuất bản các tập san, tờ thông tin, nội san, bản tin… Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép xuất bản cho các cơ quan, đơn vị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định nội dung tư tưởng trong các ấn phẩm, Sở TT&TT kiểm tra, rà soát và thẩm định pháp lý về mặt nội dung, số lượng, đối tượng, phạm vi phát hành… Các tài liệu xin được cấp phép xuất bản chủ yếu là những ấn phẩm hướng dẫn nghiệp vụ, phục vụ cho công tác giáo dục đào tạo; tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; tuyên truyền những cá nhân tiên tiến điển hình, gương người tốt, việc vốt; những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, những thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều thể loại phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng.

Về công tác in và phát hành, hiện nay toàn tỉnh có 266 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ photocopy và in ấn. Thời gian qua Sở TT&TT đã thẩm định, kiểm tra và lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động in cho 5 cơ sở, các cơ sở được cấp phép đều bảo đảm các điều kiện đã được quy định tại Luật Xuất bản 2004, Thông tư số 22/2010/TT-BTTTT ngày 6-10-2010 của Bộ TT&TT. Đây là các doanh nghiệp có trang thiết bị tương đối hoàn thiện, có thể in được nhiều loại ấn phẩm khác nhau, trên các chất liệu khác nhau đáp ứng được hầu hết mọi nhu cầu về in ấn tại địa phương như in sách, báo, tạp chí, nhãn hàng, hóa đơn tài chính. Các bản tin, tập san, nội san, kỷ yếu, tờ rơi, áp phích… và các ấn phẩm khác của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh là những xuất bản phẩm không kinh doanh được phát hành cho các ban, ngành thuộc tỉnh gửi tặng cho một số tỉnh bạn trong hệ thống ngành, các cá nhân, đơn vị. Ở cấp huyện có 137 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ photocopy và in ấn, trong đó có 26 cơ sở in lụa và 111 cơ sở photocopy. Về công tác phát hành sách, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị trường học Dak Lak, Công ty Cổ phần Văn hóa Dak Lak, Nhà sách Fahasa Buôn Ma Thuột và hàng trăm cửa hàng, đại lý, nhà sách tư nhân trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác phát hành sách, báo tuyến huyện, xã ngày càng nhanh chóng, kịp thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Xuất bản – In – Phát hành sách Việt Nam (1952-2012), các hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức từ Trung ương đến địa phương từ ngày 10-9 đến 10-10. Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu về hoạt động và sự phát triển của ngành, các nhà xuất bản sẽ tập trung xuất bản những cuốn sách có giá trị nhằm hình thành một tủ sách trọng tâm kỷ niệm 60 năm thành lập ngành, tổ chức trao tặng tủ sách cho các đồn biên phòng, các đơn vị bảo vệ chủ quyền biển đảo tại hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao các đơn vị trong ngành, tổ chức lễ mít tinh, gặp mặt…

Lê Hữu Thịnh (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.