Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII: Nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, hôm qua (19-11), Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập. Đó là pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp… Việc sửa đổi Luật Đất đai phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở...
Thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế-xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
Về cơ chế thu hồi đất, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thảo luận về cơ chế thu hồi đất, có đại biểu QH cho rằng cần đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất phù hợp với đặc điểm của từng loại đất. Cũng có đại biểu đề nghị cần xem lại các quy định về cơ chế thu hồi đất. Thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn… Tuy nhiên có một số dự án lại để hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người dân không có đất để canh tác, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện.
Vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. Một số đại biểu cho rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Dự thảo Luật cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Những quy định trong dự thảo luật về vấn đề này vẫn chỉ là những quy định chung chung, chưa sát thực tế, vì điều quan trọng mà người dân có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ sẽ ra sao khi đất nhà bị thu hồi, dự thảo Luật lại chưa tính đến. Ban soạn thảo cần nghiên cứu và tính đến vấn đề này. Đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Vì thế, nhiều đại biểu đề nghị cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất; nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất, giúp họ tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống...
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc