Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII: Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng

08:48, 02/11/2012

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, hôm qua 1-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm trong năm 2012 và cho rằng thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa phản ánh hết tình hình thực tế, cũng như sự mong mỏi của nhân dân. Đồng thời, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm, gia tăng cả về số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ án...

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, tội phạm hiện nay không chỉ có ở ngoài xã hội mà còn có ngay trong gia đình; nhiều vụ án con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em... rất đau lòng, gây bức xúc trong dư luận. Cùng với đó là đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và phổ biến ở nhiều địa phương. Đây là vấn đề cần lưu ý trong quá trình tổ chức công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã chỉ ra một thực trạng nhức nhối là ngày càng có nhiều vụ án đâm chém, giết người do trẻ vị thành niên gây ra. “Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới vấn đề này, trong khi theo tìm hiểu của tôi, năm 2012 có khoảng 6.500 bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, tăng hơn 40% so với năm 2011” – đại biểu Nguyễn Thái Học băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), để công tác phòng chống tội phạm đạt được hiệu quả, Chính phủ cần phân tích và có giải pháp cụ thể cho từng nhóm tội phạm, chứ không nên chỉ nói chung chung. Nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan điểm rằng, trước tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay, cần quan tâm tăng cường nguồn lực cả về vật chất và con người cho các lực lượng điều tra, truy tố, xét xử, bởi thực tế hiện nay ở địa phương, lực lượng bảo vệ pháp luật còn thiếu, nên công tác phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) dẫn chứng về thành công của tổ công tác đặc biệt 141 ở Hà Nội khi cho rằng, nếu có đủ lực lượng và cách làm quyết liệt, sẽ nâng cao được hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đa số các đại biểu cho rằng, công tác này đạt hiệu quả chưa cao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa thể hiện hết tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được rất ít. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) dẫn chứng, kết quả thanh tra năm 2012 kiến nghị xử lý hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân và đã chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ với 41 đối tượng, nhưng con số này vẫn chưa phản ánh đúng với thực trạng tham nhũng đang diễn ra rất tinh vi trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Bên cạnh đó, có tình trạng chuyển từ tội nặng sang tội nhẹ. Nhiều vụ tham nhũng chưa được xét xử nghiêm, cấp càng cao xử lý càng ít.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị, mở rộng kê khai tài sản đối với cán bộ có quyền nhưng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ bảo đảm tính minh bạch, công khai; đồng thời phải biết vận dụng sức mạnh toàn dân vào cuộc cùng giám sát phòng ngừa phát hiện đẩy lùi tham nhũng. Cần xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật rõ ràng, rành mạch để kiểm soát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan tổ chức và các chế tài xử lý...

“Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội cần xem xét thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt với những người giữ chức vụ cao có dấu hiệu tham nhũng, làm cơ sở để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm” - Đại biểu Trương Thị Yến Linh thẳng thắn đề nghị.

Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã đánh giá, chưa bao giờ từ tham nhũng xuất hiện với tần số nhiều như thời điểm này. "Nghị quyết của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức QH, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân", ông Nhã nói.

Nhà nước đã tổ chức cả một bộ máy cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra hùng hậu, năm qua tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, trong đó số hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm khoảng 34%.

Ông Nhã nêu vấn đề, nếu chỉ nhìn vào số liệu nói trên sẽ thấy nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được chừng ấy, lại toàn loại án nhẹ nhưng tại sao chỗ nào cũng bức xúc về tham nhũng.

"Tham nhũng đang thách thức Nhà nước, nhân dân, đánh vào tình cảm, danh dự của nhân dân. Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Nhưng theo tôi, cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng chưa đáng kể lắm vì chưa có thương vong gì nhiều. Tôi đề nghị QH nên bàn và có phương án tác chiến cụ thể hơn", ông Nhã khẳng định.

Cùng với việc lập Ban chỉ đạo TƯ do Tổng Bí thư đứng đầu, ông Nhã cho rằng đây là thời điểm chín muồi để QH lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng. Cơ quan này chỉ tập trung vào điều tra các tội tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đây sẽ là một cơ quan độc lập do QH lập ra giống như Kiểm toán Nhà nước và chỉ tập trung xử lý tố giác tội phạm tham nhũng. Cơ quan này điều động hoặc nhận biệt phái các điều tra viên trong các cơ quan tư pháp khác. Các điều tra viên, trinh sát viên phải được độc lập trong phòng chống tham nhũng. Họ có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ quyền hạn cung cấp thông tin và các yêu cầu của họ buộc phải được thi hành, có thể lập văn phòng tại địa phương, thậm chí tại các cơ quan dễ xảy ra tham nhũng và độc lập từ ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này sẽ được quy định trong luật.

Cũng theo ông Nhã, do tham nhũng còn hoành hành, thách thức như vậy nên khi QH ban hành nghị quyết về công tác tư pháp thì nên yêu cầu các cơ quan tư pháp không xử án treo, án xét xử không giam giữ với bất kỳ vụ  án tham nhũng nào. Đặc biệt, không tha trước thời hạn cho đối tượng tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói: “Chúng ta rất tự hào có một chế độ mà dân chúng thực sự đáng tin cậy, yêu Tổ quốc, cần cù lao động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái và độ lượng, bao dung. Chúng ta chỉ có thể xây dựng một chế độ vững mạnh trên nền nhân dân và yên dân. Nhưng cử tri hiện nay rất bức xúc, bất bình với tệ tham nhũng, vì sao ta càng kêu gọi chống tham nhũng thì nó lại càng nhiều, trầm trọng hơn. Tham nhũng nhiều nhưng phát hiện ít, phát hiện nhiều nhưng xử ít, xử nhẹ, tài sản thất thoát nhiều nhưng thu hồi ít”.

Xác định “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện KSNDTC đề nghị trong năm 2013 và các năm tiếp theo, nên mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham: “Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước”.

Ông Đỗ Văn Đương cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức: Trước hết là với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng. “Nếu phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền còn khó hơn, thì dám từ bỏ chức vụ thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân cho nước”; “Nếu không làm được thế thì tới đây, cũng nên đưa một số bộ trưởng mà dân đang bức xúc về một số lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu, thủy điện ra bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm”, ông Đương nói. Đại biểu TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tập trung, phối hợp chặt chẽ đột phá vào một số lĩnh vực cử tri bức xúc như ngân hàng, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, các dự án xử dụng vốn và tài sản công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu thua lỗ, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng… để kịp thời ngăn ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản cho nhà nước.

Ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá cũng làm nóng nghị trường với những ý kiến thẳng thắn về "quốc nạn".

Theo bà, ba nhiệm kỳ trước, bà đã gửi chất vấn về việc thu hồi tài sản từ tham nhũng song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Trong khi đó, tội tham nhũng muốn xử triệt để là phải thu hồi được tài sản tham ô, đừng để ai đó nghĩ "hy sinh đời bố, củng cố đời con".

Bà Khá cho rằng, tham ô tăng theo cấp số nhân, trong khi thu ngân sách Nhà nước ngày càng hao hụt. Tội phạm tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi mang gương mặt của kẻ "ba liên". Đó là liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên và đặc biệt là liên kết với nhau chặt chẽ. Khi bị phát hiện, họ cũng dễ dàng thoát án do thực hiện "ba chạy", là chạy án, chạy tội, chạy tù. "Mà nói như quảng cáo là mưa đã có ô, lạnh đã có áo mà cảm cúm đã có Tiffy", bà Khá ví von.Do vậy, chống tham nhũng nghĩa là phải đấu tranh dẹp nạn bè phái, cục bộ, bao biện, móc nối. Bà Khá cũng tha thiết mong QH làm rõ tình hình để báo cáo của Chính phủ năm sau không còn lặp lại như bây giờ.

Liên quan đến công tác thi hành án, nhiều đại biểu lo ngại về tình trạng án treo, thực trạng thi hành án dân sự thấp, thẩm phán vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là vi phạm pháp luật; cùng với đó là tình trạng đình chỉ, tạm đình chỉ bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề cần được các cơ quan tố tụng nhanh chóng giải quyết để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân. Đại biểu này đề nghị các ngành tiến hành tố tụng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm số bị can này ngay trong năm 2013, hoặc buộc họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hoặc tuyên bố họ không phạm tội. Đây là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa có tính chất đạo lý không thể trì hoãn kéo dài mãi.

(Tổng hợp từ Báo Điện tử ĐCSVN và Vietnamnet)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.