Multimedia Đọc Báo in

Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân (25-1-1948 – 25-1-2013)

Thầm lặng sau những chiến công

09:13, 25/01/2013

Họ là những người đi trước, về sau nâng đỡ bước chân của những cán bộ chiến sĩ công an nơi tuyến đầu của mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đằng sau mỗi thắng lợi, mỗi chiến công của lực lượng Công an nhân dân đều luôn có sự đóng góp của một lực lượng lặng thầm - đó chính là lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân.

Ngay từ ngày thành lập đến năm 1975,  công tác hậu cần – kỹ thuật của lực lượng Công an Dak Lak chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí tự cấp, tự túc. Trong thời gian này, cuộc sống và chiến đấu của cán bộ chiến sĩ công an vô cùng gian khổ. Ở vùng căn cứ phải thường xuyên chống biệt kích, thám báo của địch nhưng nguồn vũ khí được trang bị rất hạn chế, cơ sở vật chất chỉ là những lán trại xây dựng tạm, cán bộ chiến sĩ đi công tác chủ yếu dựa vào dân để sinh hoạt và hoạt động. Lương thực nuôi quân chủ yếu dựa vào nguồn tự sản xuất trên nương rẫy, chăn nuôi tại căn cứ, khu vực đóng quân ở vùng giải phóng. Chính vì vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ công an trong thời kỳ này luôn phải vừa công tác, vừa chiến đấu, vừa tự làm công tác hậu cần.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bên cạnh việc phải đối phó với âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch từ bên ngoài, lực lượng vũ trang còn phải tiến hành truy quét ngụy quân, ngụy quyền trốn trình diện và các tổ chức phản động cũ, lực lượng Fulrô chống phá cách mạng; mặt khác phải cùng các ban ngành, lực lượng vũ trang trong tỉnh nhanh chóng ổn định đời sống. Nhằm bảo đảm điều kiện công tác, chiến đấu tốt nhất cho toàn lực lượng, lúc này, Phòng Hậu cần Ty Công an Dak Lak đã được thành lập gồm các bộ phận: Kế toán – Tài vụ, Sản xuất – chăn nuôi, Trang cấp thiết bị và bộ phận văn phòng. Ngay khi thành lập, công tác hậu cần đã khai thác có hiệu quả các phương tiện, vũ khí thu được của địch để trang bị cho cán bộ chiến sĩ phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu và chuẩn bị cơ sở vật chất đủ sức tiếp nhận cán bộ chiến sĩ từ miền Bắc vào tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên, chiến đấu chống phản động Fulrô. Mặc dù chưa có đủ cơ sở vật chất, nhưng với những cơ sở tiếp quản từ xe,  nhà làm việc, trụ sở cảnh sát ngụy, cán bộ làm công tác hậu cần đã nhanh chóng khắc phục, sửa chữa để ổn định nơi làm việc và khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ bảo đảm yêu cầu công tác cho toàn lực lượng.

Diễn tập các phương án phòng chống tội phạm.
Diễn tập các phương án phòng chống tội phạm.

Từ năm 1975-1992, với phương châm “hậu cần toàn quân”, “hậu cần tại chỗ” lực lượng hậu cần Công an Dak Lak đã nỗ lực, cố gắng góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm công tác, chiến đấu và chăm lo đời sống cho cán bộ chiến sĩ, tích cực cùng toàn lực lượng Công an tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, đã cùng toàn quân tổ chức hàng trăm trận truy quét Fulrô có vũ trang, điều tra làm rõ hàng trăm chuyên án, vụ án hình sự, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, truy bắt hàng nghìn đối tượng có lệnh truy nã…

Hiện nay, bước vào thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, lực lượng Hậu cần – Kỹ thuật tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả công tác đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu trên địa bàn. Có thể nói, từ việc xây dựng cơ bản các doanh trại, trụ sở giải quyết nhu cầu ăn, ở, làm việc từ Công an tỉnh đến cơ sở cũng như phương tiện đi công tác, mua sắm, trang cấp vật tư, kinh phí, chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí – công cụ hỗ trợ đến chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh và đơn vị trực tiếp là Phòng Hậu cần – Kỹ thuật quan tâm đổi mới. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng chiến đấu và hiệu quả khám phá án, công tác huấn luyện, diễn tập các phương án luôn được Công an tỉnh quan tâm, thực hiện. Để có những đợt diễn tập các phương án đấu tranh với các loại tội phạm, đội ngũ hậu cần phải chuẩn bị từ kinh phí, xăng xe, công cụ hỗ trợ, vật tư, thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vũ khí góp phần quan trọng vào thành công của các đợt huấn luyện, diễn tập của các đơn vị mũi nhọn, chiến đấu. Đồng thời, nhằm sử dụng nguồn kinh phí của Bộ và UBND tỉnh cấp có hiệu quả và tiết kiệm, lãnh đạo Phòng Hậu cần – Kỹ thuật luôn tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh nhiều kế hoạch, chủ trương lớn về công tác hậu cần mang tính chiến lược, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh đánh giá: “Công tác Hậu cần – Kỹ thuật là công tác quan trọng, luôn phải đi trước về  sau, phải kề vai, sát cánh cùng với các lực lượng nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Trước nhu cầu thực tế phục vụ công tác, chiến đấu ngày càng lớn, trong những năm qua Công an tỉnh luôn chủ động cân đối ngân sách, chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí được cấp…”.

Những nỗ lực phấn đấu không ngừng cùng với tinh thần công tác hậu cần là sẵn sàng phục vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng, lực lượng Hậu Cần – Kỹ thuật Công an tỉnh luôn được các cấp ghi nhận: đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.

 Nhã Bình


Ý kiến bạn đọc