Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ xã Ea Kuăng (Krông Pak): Lãnh đạo nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương

08:49, 01/02/2013

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán này, có dịp về thăm Ea Kuăng - một xã anh hùng thuộc vùng căn cứ cách mạng H9 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của huyện Krông Pak sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui. Từ sự nỗ lực của chính quyền, người dân và sự đầu tư của Nhà nước, cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày…

Đường vào xã Ea Kuăng hôm nay.
Đường vào xã Ea Kuăng hôm nay.

Toàn xã có gần 2.700 hộ với 13.370 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện và xã về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuộc sống. Căn cứ vào những chỉ tiêu Nghị quyết, xã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn thực hiện. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện và khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng tre lấy măng, lúa cao sản, nuôi cá nước ngọt, cà phê bền vững để bà con áp dụng vào sản xuất. Bước đột phá trong phát triển kinh tế của xã là vào năm 2006 khi được nhà nước đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi, đê bao dài 2,3 km. Các tuyến kênh khơi dòng nước mát vừa bảo đảm tưới tiêu cho trên 450 ha lúa, 805 ha cà phê, vừa phát triển giao thông nông thôn. Nhờ vậy, kinh tế của địa phương ngày càng phát triển. Toàn xã gieo trồng trên 2.300 ha, tổng sản lượng lương thực bình quân trên 8.600 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện còn 18,7%. Khắp các thôn trong xã đều có những dãy nhà xây san sát, đường điện chạy đến từng nhà, tiếng học sinh đọc bài ê a vang vọng từ các ngôi trường; trên cánh đồng, nương rẫy tràn ngập không khí nhộn nhịp lao động sản xuất, chăm sóc lúa vụ đông xuân.

Sau 27 năm vào sinh sống, lập nghiệp ở thôn Thăng Lập 1, ông Trần Quý Hay đã chứng kiến nhiều đổi thay, phát triển của vùng đất này. Trước đây do chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên mặc dù cũng có 1 ha cà phê, lúa nhưng gia đình ông vẫn thuộc diện đói nghèo. Từ chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, ông mạnh dạn tham gia sản xuất cà phê bền vững, canh tác thêm lúa, hoa màu, chăn nuôi heo, gà nên cuộc sống gia đình khá dần lên, xây được nhà cửa khang trang hơn. Đối với bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Thăng Lập 2 thì hệ thống kênh mương thủy lợi chính là “cứu cánh” cho sản xuất nông nghiệp của gia đình bà và hàng trăm hộ dân trong vùng. Trước đây do không chủ động được nguồn nước nên việc canh tác lúa của bà con rất bấp bênh. Từ ngày có tuyến kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng, sản xuất lúa nâng lên 2 vụ/ năm, lại có các loại máy gặt đập liên hợp hỗ trợ nên năng suất luôn ổn định trên 8 tạ/sào, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ea Kuăng đang phát huy sức mạnh nội lực trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng hội trường thôn, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi. Hiện với 8/19 tiêu chí đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đồng thuận trong lòng dân, sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước là yếu tố quan trọng để xã xây dựng thành công nông thôn mới vào năm 2020.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc