Hoạt động báo chí góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh
Năm 2012, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Các cơ quan báo chí địa phương như Báo Dak Lak, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Cư Yang Sing, Tạp chí Khoa học kỹ thuật Dak Lak; các tập san, bản tin, tờ tin của các hội, sở, ban, ngành trong tỉnh có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng hơn, chất lượng ngày càng nâng lên; bám sát các sự kiện, những vấn đề phát sinh, nổi cộm, dư luận quan tâm; thông tin nhanh, kịp thời, đáp ứng tốt hơn quyền và nhu cầu thông tin của người dân.
Về nội dung, tập trung tuyên truyền tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phong trào thi đua yêu nước, các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, các ngày lễ, kỷ niệm; tình hình thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước trên địa bàn. Phê phán đấu tranh các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội; đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch… Các cơ quan báo chí trên địa bàn hoạt động theo qui định của pháp luật, đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể quần chúng, vừa là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Là đơn vị chủ công của báo chí địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Dak Lak có nhiều tiến bộ rõ rệt trong hoạt động. Chương trình của Đài tỉnh đa dạng, nội dung, hình thức tiếp tục đổi mới, cải tiến; có thời sự tiếng Êđê, tiếng M’nông, các chuyên mục, chuyên đề bổ ích, khán, thính giả quan tâm. Việc khai thác, quản lý, sử dụng thiết bị kỹ thuật thực hiện đúng qui trình nên chất lượng hoạt động của các đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và của tỉnh duy trì tốt hoạt động. Thời lượng phát sóng các chương trình địa phương tăng lên so với năm 2011. Đài tỉnh duy trì sản xuất, phát sóng 36 chuyên mục trên sóng phát thanh, tổ chức 104 cuộc phát thanh trực tiếp; duy trì sản xuất, phát sóng truyền hình 44 chuyên mục, chuyên đề, tổ chức 50 buổi truyền hình trực tiếp với chất lượng tốt; tỷ lệ phủ sóng của phát thanh và truyền hình đạt 100%.
Cùng với hoạt động phát thanh, truyền hình, Báo Dak Lak không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức, tạo được sự tin yêu của bạn đọc. Nội dung thông tin chính xác, kịp thời, khá đa dạng. Năm 2012, Báo Dak Lak xuất bản, phát hành trên 240 kỳ, với hơn 4.000 bản mỗi kỳ và ra đúng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nhìn chung, nội dung các số báo đều bảo đảm định hướng chính trị, chú trọng phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tích cực, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
Cùng với báo chí địa phương, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng đại diện và 2 cơ quan báo chí có phóng viên thường trú. Những năm gần đây cũng như trong năm 2012, những tin, bài viết về Dak Lak trên mặt báo của các báo Trung ương chiếm tỷ lệ khá so với một số địa phương khác, phát hiện, đề cập, phân tích nhiều vấn đề, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Dak Lak; cổ vũ nhân tố mới, tích cực, góp thêm thông tin các cấp chính quyền có các chủ trương, chính sách, giải pháp và sự điều chỉnh cần thiết những bất cập; tăng cường quản lý, điều hành kinh tế xã hội, chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, tiêu cực.
Họp báo tại TP. Hồ Chí Minh về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV-2013. (Ảnh: T.L) |
Các tập san, bản tin, tờ tin của các sở, ngành, hội trong tỉnh, các đài truyền thanh - truyền hình của huyện, thị xã, thành phố, đài truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn, các trang thông tin điện tử, website các ngành, huyện, ngày càng phát triển, chất lượng tốt hơn, tính chuyên nghiệp nâng lên, góp phần đáng kể phổ biến tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của địa phương, sở, ngành, hội…
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản cùng với việc tổ chức định kỳ giao ban báo chí, họp báo (hàng tháng) là một tiến bộ nổi bật trong năm 2012. Thông qua giao ban báo chí kịp thời định hướng nội dung tuyên truyền, uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện chưa tốt, những sai sót về tin, bài, hình ảnh trong hoạt động báo chí. Việc chất vấn, trả lời, làm rõ, trao đổi những vấn đề nổi cộm báo chí phản ảnh đã được thực hiện khá tốt, nề nếp và thực chất hơn.
Đội ngũ người làm báo, cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ quan báo chí cũng tăng lên đáng kể. Hội Nhà báo tỉnh hiện nay có 168 hội viên, với 8 chi hội, trong đó có 34 hội viên là người dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Dak Lak, cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên… được đầu tư xây dựng, trang thiết bị khá đồng bộ và hiện đại. Một số tờ báo lớn như Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Tin tức, Thể thao hàng ngày…được in tại Dak Lak, cùng với việc đưa sóng phát thanh truyền hình của Đài tỉnh qua hệ thống vệ tinh Vinasat và các công ty truyền hình cáp Việt Nam, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của đông đảo nhân dân. Sự phát triển và tiến bộ về mọi mặt trong hoạt động của các cơ quan báo chí, với chất lượng thông tin ngày càng nâng lên, đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đáng trân trọng, tự hào, trên một số tờ báo, vẫn chưa tuyên truyền đậm nét nhiệm vụ chính trị trọng tâm; còn thiếu những phóng sự tài liệu, bài viết sắc sảo, công phu, gây ấn tượng mạnh. Chưa mạnh dạn, kịp thời có tin bài phân tích, bình luận, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm. Tuyên truyền về các điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực chưa có sức lan tỏa rộng. Có lúc, có nơi, trong hoạt động tác nghiệp, phóng viên còn dè dặt, né tránh trước những vấn đề nhạy cảm, chưa phát huy tính chiến đấu của báo chí cách mạng.
Năm 2013, một năm được dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, tác động, ảnh hưởng đến tỉnh ta. Trong tỉnh, thời tiết diễn biến khó lường; nợ xây dựng cơ bản của các cấp chính quyền, nợ xấu, nợ quá hạn ngân hàng, hàng tồn kho của các doanh nghiệp ở mức khá cao; sức mua thị trường giảm; một số vấn đề xã hội bức xúc cần khẩn trương giải quyết, trong khi đó nguồn lực của tỉnh có hạn. Trước những thách thức đó, để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012 (tăng trưởng kinh tế từ 11% trở lên), thu nhập bình quân đầu người đạt 28,2 triệu đồng/năm, tạo việc làm mới cho 26.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,39 % (giảm 3% so với năm 2012)… theo Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 7-12-2012 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ năm 2013, tỉnh tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển; tiếp tục nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững; kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm môi trường sinh thái, huy động hiệu quả nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các tệ nạn xã hội; giải quyết kịp thời các vụ việc nổi cộm; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, năm 2013, báo chí trong tỉnh tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị, diễn biến tình hình, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền; nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, tính định hướng, tính văn hóa, khoa học, tính đại chúng của báo chí cách mạng; cải tiến hấp dẫn hơn về hình thức, đưa thông tin nhanh nhất đến khán, thính giả, độc giả. Các cơ quan báo chí cần có nhiều cách để thu thập thông tin chính xác, kịp thời từ nhiều nguồn, từ thực tiễn sinh động cuộc sống, qua đó thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, đồng thời là tiếng nói, diễn đàn của nhân dân. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giao ban báo chí, họp báo; phát huy hiệu quả việc tổ chức trả lời của các cơ quan, đơn vị, địa phương về những vấn đề nổi cộm mà báo chí nêu. Tăng cường hơn nữa hoạt động thông tin đối ngoại, hoạt động truyền thông ở các địa phương vùng biên giới. Thực hiện tốt qui chế người phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chính thống cho cơ quan báo chí, khắc phục tình trạng một số tổ chức, cá nhân còn né tránh, che dấu thông tin. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, các hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, internet, các hoạt động xuất bản, photocopy, in và thông tin quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2013, phát huy những thuận lợi, kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường phát triển.
Lưu Tiến Vinh
(Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc