Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra

07:30, 14/02/2013

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chúng ta vừa trải qua năm 2012 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, chúng ta cũng đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Xin đồng chí cho biết những thành quả nổi bật nhất mà tỉnh Dak Lak đã đạt được trong năm qua?

- Như chúng ta đã biết, năm 2012 là một năm đặc biệt khó khăn đối với tỉnh ta. Ngoài những khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng bởi khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới thì giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi... đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, giá trị tổng sản phẩm xã hội (GDP - giá so sánh năm 1994) đạt 15.180 tỷ đồng, tăng 8,57% so với năm 2011. Trong đó: Nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,91%; dịch vụ ước tăng 14,02%. Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế đạt 25 triệu đồng/người, tăng 11,37% so với năm 2011. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.219 tỷ đồng, bằng 24,17% GDP. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Sản lượng lương thực cây có hạt ước 1,07 triệu tấn, tăng 40.448 tấn so với năm 2011. Sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 4.938 tỷ đồng, tăng 11,8 % so với  năm 2011. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 11,93% so với năm 2011. Hoạt động du lịch tăng khá, tổng doanh thu đạt 242 tỷ đồng, tăng 20,61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.736 tỷ đồng, bằng 109,49% kế hoạch Trung ương giao. Kim ngạch xuất khẩu đạt 730,2 triệu USD, nhập khẩu đạt 19,3 triệu USD. Trong năm 2012 đã thu hút được 42 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.100 tỷ đồng, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Giáo dục - Đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển khá đồng bộ. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,4%, tăng 9% so với năm học trước; tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia đạt 26%. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; tỷ lệ xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới) đạt 35,3%. Trong năm qua, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 25.680 lao động, đạt 100,3% kế hoạch. Công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được các địa phương tích cực triển khai thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 14,67%.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tổ chức triển khai đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả hơn; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai; phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở...

Những kết quả đạt được trên đây là rất đáng tự hào. Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, đóng góp công sức, trí tuệ..., góp phần quan trọng vào thành công chung của cả tỉnh trong năm 2012 vừa qua.

*Trong năm qua, chúng ta cũng đã hoàn thành việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đây có thể nói là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trên địa bàn tỉnh?

- Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cả tỉnh, trong năm 2012, Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Cụ thể, trong 6 ngày từ 10 đến 15-9-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Ngay sau Hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, Hội nghị báo cáo kết quả kiểm điểm của tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, đánh giá. Tiếp theo đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng bộ trực thuộc trong tỉnh tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thành việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị  quyết Trung ương 4.

Nhìn chung, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị đã bám sát tinh thần, nội dung Nghị quyết, các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 bảo đảm các yêu cầu chung, cụ thể hóa nhiều nội dung sát hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã được tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo quy trình, hướng dẫn. Qua hội nghị kiểm điểm, các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên có điều kiện hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ và gắn bó nhau hơn trong công tác, sinh hoạt. Từ đó trên mỗi vị trí công tác, sẽ tự giác, nghiêm khắc với bản thân hơn, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới lề lối làm việc nhằm hoàn thành tốt hơn chức trách nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Điều đáng mừng là trong đợt kiểm điểm này, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở các địa phương, đơn vị như: Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, rừng; quy hoạch, quản lý quy hoạch; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; hiệu quả thu hút đầu tư, chất lượng, tiến độ một số công trình đầu tư xây dựng cơ bản chưa bảo đảm; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá cán bộ; vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống, nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực;… của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được nêu ra thảo luận và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để đề ra các giải pháp cụ thể tập trung khắc phục, giải quyết.

Mặc dù vậy, chúng ta không thể bằng lòng với những kết quả bước đầu đó. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 4 nhóm giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Cụ thể là: Tiếp tục quan tâm, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gắn việc kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 với việc kiểm điểm thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên theo định kỳ hằng năm; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, đổi mới phương pháp, nội dung sinh hoạt của chi bộ đảng; đặc biệt chú ý đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

* Bước vào năm 2013, nền kinh tế nước ta nói chung và Dak Lak nói riêng được dự báo là sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Trước tình hình này, Tỉnh ủy sẽ có những chỉ đạo gì để có thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2013, thưa đồng chí?

- Năm 2013, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Trong khi đó tình hình thế giới, khu vực và trong nước vẫn còn khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đối với tỉnh ta, có thể sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2012. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư phải đoàn kết một lòng, tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ chung của tỉnh.

Theo tôi, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian đến là phải tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới… Cụ thể, cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, chú trọng đến phát triển ngành, lĩnh vực. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch… để đưa Dak Lak từng bước trở thành trung tâm dịch vụ của vùng Tây Nguyên. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng; tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo phát triển con người, đặc biệt quan tâm đến gia đình chính sách, người có công với đất nước, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở, làm tốt công tác y tế dự phòng, tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao.

Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong quy hoạch, đào tạo, đánh giá, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ; chú ý đào tạo, phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận và các đoàn thể. Các hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể trong năm 2013 phải hướng mạnh về cơ sở, phải thực sự là cầu nối giữa Đảng - Chính quyền với Nhân dân.

Đẩy mạnh phân cấp quản lý cho cấp dưới, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát huy vai trò giám sát của nhân dân; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan Nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân gây nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân, doanh nghiệp, vi phạm việc thực hiện cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng tham ô, lãng phí; bảo đảm chất lượng các công trình, dự án.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Tập trung lãnh đạo việc thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy Đảng. Duy trì thường xuyên việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, gắn với kiểm điểm chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên theo định kỳ hằng năm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị, góp phần giải quyết những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thông qua đó củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Rõ ràng, nhiệm vụ của chúng ta trong năm 2013 là vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thì chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Xuân Quý Tỵ - 2013, thay mặt Đảng bộ tỉnh, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh dồi dào sức khỏe, giành nhiều thắng lợi mới trên mọi mặt đời sống xã hội.   

*Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

   Việt Cường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.