Multimedia Đọc Báo in

Một số ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:27, 20/03/2013

 Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị theo Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân. Tôi xin có một số ý kiến tham gia đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, như sau:

- Đề nghị bổ sung Điều 6 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cụm từ "tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội" và biên tập lại đoạn này như sau: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan khác của Nhà nước". Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo nhân dân được thực hiện quyền lực Nhà nước qua các tổ chức - chính trị xã hội hợp pháp mà họ tham gia. 

- Tại Khoản 1 Điều 27 Dự thảo Hiến pháp quy định: "1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình". Tại Khoản 2 Điều 27 lại quy định "Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội".

Việc thêm như vậy là không cần thiết, mâu thuẫn với Khoản 1. Bởi vì, Khoản 1 Điều 27 đã quy định công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt... Như vậy, có thể hiểu là nam nữ bình quyền, không phân biệt đối xử, mọi hành vi vi phạm bình đẳng sẽ bị nghiêm trị. Việc Khoản 2 quy định: "...Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội" đã làm vô hiệu hóa, phủ định Khoản 1 và đặt câu hỏi tại sao lại không tạo điều kiện cho nam giới. Do đó, chỉ cần quy định như Khoản 1 Điều 27 là công bằng, hợp lý, đầy đủ, chặt chẽ.

- Tại Khoản 2 Điều 29 Dự thảo Hiến pháp quy định: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân". Theo chúng tôi nên thay cụm từ "phản hồi ý kiến" thành cụm từ "thụ lý giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân". Biên tập lại như sau: "Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân". Việc quy định như vậy thể hiện rõ trách nhiệm, tính ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với công dân trong quản lý, điều hành.

- Tại Điều 30 Dự thảo Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân", đề nghị bổ sung cụm từ nghĩa vụ và biên tập lại như sau: "Công dân có quyền và nghĩa vụ biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý kiến". Bởi vì, công dân không chỉ có quyền biểu quyết mà còn cần phải thấy được nghĩa vụ của công dân để tham gia ý kiến đối với nhà nước, xã hội thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân luôn có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết, nhất là trên lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

- Tại Khoản 4 Điều 32 Dự thảo Hiến pháp, có ý kiến đề nghị bổ sung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như vậy sẽ rõ hơn, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước khi người thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra thiệt hại. Theo đó, đề nghị biên tập lại như sau: 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý và bồi thường thiệt hại theo pháp luật" .

- Tại Điều 45 Dự thảo Hiến pháp: Đề nghị bổ sung quyền xác định lại giới tính của công dân, vì hiện nay đã xuất hiện việc xác định lại giới tính của công dân trong nước, đây là nguyện chính đáng của công dân và phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới.

Phạm Văn Chung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.