Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:

Nên hiến định rõ trách nhiệm của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

20:04, 06/04/2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt Dự thảo) dành Chương VIII, với 8 Điều để hiến định nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động và tổ chức của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.

Trên cơ sở tiếp thu, sửa đổi, bổ sung 15 điều (từ Điều 126 đến Điều 140 của Hiến pháp năm 1992), Chương VIII của Dự thảo đã thể hiện khá đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung từng điều, khoản cho thấy còn những điểm cần phải hoàn thiện về câu từ và ngữ nghĩa. Đồng thời, nên bổ sung thêm điều, khoản nhằm hiến định việc kiểm sát tuân theo pháp luật cho Viện kiểm sát nhân dân, bổ sung điều, khoản về trách nhiệm của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân khi để xảy ra sai phạm trong thực thi quyền tư pháp.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 107 quy định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nên sửa lại như sau cho thuận về ngữ nghĩa và đúng ngữ pháp: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ở đây bỏ từ “bảo vệ” trước quyền con người và thay dấu (,) bằng dấu (;) sau từ quyền công dân.

Về Khoản 4 Điều 108, quy định: Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp do luật định. Tôi thấy ở khoản này nếu để “trừ trường hợp do luật định” là không ổn. Bởi, như vậy sẽ xảy ra trường hợp vụ án không được xét xử tập thể và quyết định theo đa số vẫn được chấp nhận (?). Hậu quả là dễ dẫn tới vụ án được phán quyết thiếu khách quan, công lý không được bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có thể bị xâm phạm một cách dễ dàng. Vì vậy, Khoản 4 Điều 108 cần bỏ cụm từ “trừ trường hợp do luật định”, và nội dung khoản này như sau: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. Chỉ khi nào nguyên tắc này được tuân thủ thì việc xét xử của Tòa án nhân dân mới thực sự trở thành cán cân công lý.

Khoản 1 Điều 112 Dự thảo nêu: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay ngoài việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thì Viện kiểm sát nhân dân còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như: Điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm liên ngành và công tác tương trợ tư pháp về hình sự… Vì vậy, để hiến định đầy đủ nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân thì Khoản 1 Điều 112 Dự thảo nên sửa như sau: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và những nhiệm vụ khác do luật định”. Những nhiệm vụ khác là những nhiệm vụ nào sẽ do luật đó quy định, như vậy sẽ bảo đảm cho hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Về khoản 2 Điều 114, nên thêm cụm từ “và những nhiệm vụ khác do luật định” mới thể hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên. Và khoản này sửa lại như sau: “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và những nhiệm vụ khác do luật định, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”.

Trong nội dung Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, Quốc hội đều giao cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và công dân. Nhưng đến Hiến pháp năm 1992, không còn quy định này và quyền giám sát tối cao hiện nay được giao cho rất nhiều cơ quan, trong đó có cả cơ quan thuộc bộ máy hành pháp, dẫn tới tình trạng chồng chéo, phân tán và không có cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật. Vì thế, Dự thảo lần này cần hiến định cụ thể nhiệm vụ kiểm sát tuân theo pháp luật cho Viện kiểm sát nhân. Bởi lẽ, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan do Quốc hội lập ra và thực thi nhiệm vụ do Quốc hội giao. Trong tác phẩm “Bàn về chế độ song trùng trực thuộc và pháp chế”, Lênin chỉ ra rằng: Tình trạng pháp luật do nhà nước đặt ra, nhưng không được chấp hành nghiêm chỉnh, nơi này thế này, nơi khác thế khác; nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa không được tôn trọng. Và Lênin đề nghị, nên đặt ra và trao cho cơ quan này quyền giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật của tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương và mọi công dân trong việc chấp hành pháp luật. Lênin cũng khẳng định: “Không có cơ quan nào khác ngoài Viện kiểm sát”. Quan điểm trên của Lênin đã được áp dụng vào thực tiễn thi hành pháp luật của Việt Nam và được hiến định trong Hiến pháp các năm 1959 và 1980. Vì thế Dự thảo nên có điều, khoản hiến định việc kiểm sát tuân theo pháp luật cho Viện kiểm sát nhân dân.

Cũng qua nghiên cứu nội dung 8 Điều (từ Điều 107 đến Điều 114) của Chương VIII, chưa thấy có điều, khoản quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân và của Viện kiểm sát nhân dân khi để xảy ra tình trạng xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm, bắt oan người vô tội. Trong khi đó, thực tế công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp, cũng như trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân lâu nay còn để ra không ít oan sai, gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo, kêu oan… kéo dài, vượt cấp và diễn biến phức tạp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào pháp luật, vào các cơ quan giữ quyền tư pháp; thậm chí có nơi, có lúc trở thành điểm nóng dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc và chống phá. Vì vậy, nội dung Chương VIII nên bổ sung thêm điều, khoản quy định rõ trách nhiệm của Tòa án nhân dân và của Viện kiểm sát nhân dân khi để xảy ra oan sai trong thực thi quyền tư pháp của mình. Có như vậy mới bảo đảm quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, làm cho chất lượng hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp ngày một nâng lên, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thực thi một cách công minh.

Bình Định

 

 


Ý kiến bạn đọc