Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII): Thu hẹp dần khoảng cách đời sống văn hóa giữa vùng trung tâm và vùng sâu, vùng xa

20:05, 06/04/2013

Đảng bộ thị xã Buôn Hồ kế thừa việc triển khai thực hiện của Huyện ủy Krông Buk trước đây, đã tiếp tục quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên và tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trên địa bàn thị xã.

Sau 15 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết đã lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Các lễ hội truyền thống của đồng bào tại địa phương được khôi phục. Trong ảnh: Lễ Hội Hảng Pồ của người Tày - Nùng ở xã Ea Siên.   Ảnh: L.V
Các lễ hội truyền thống của đồng bào tại địa phương được khôi phục. Trong ảnh: Lễ Hội Hảng Pồ của người Tày - Nùng ở xã Ea Siên. Ảnh: L.V

 

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) gắn với việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; xã, phường văn hóa trên địa bàn. Thông qua các phong trào này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã không ngừng nâng cao về mọi mặt. Đường làng, ngõ xóm được mở rộng, tu bổ; cảnh quan môi trường từ hộ gia đình đến cơ quan, đơn vị, thôn, buôn, tổ dân phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng; các hoạt động văn hóa và phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được đẩy mạnh; các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ngày càng phát triển. Các lễ hội văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát huy trong đời sống xã hội. Tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục tập quán lạc hậu được đẩy lùi; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, tình thương trách nhiệm, chống các biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội ngày càng được nâng cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... Đến nay, toàn thị xã có 85% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 74% thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; 8/12 xã, phường đăng ký xây dựng xã, phường văn hóa; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có hương ước; trên 92% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đơn vị văn hóa. Toàn thị xã hiện có 161 giàn cồng chiêng các loại và lưu giữ nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác như: đinh năm, đinh pá, đinh tút, đinh tạc tà, đàn t’rưng, đàn tính… Một số ngành nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, sản xuất và chế tác các nhạc cụ dân tộc được chú trọng. Đến nay trên địa bàn thị xã có 24 bến nước; hằng năm, các buôn đồng bào dân tộc tổ chức lễ cúng bến nước và các lễ hội truyền thống, kết hợp với các trò chơi dân gian; 100% các buôn có nhà văn hóa cộng đồng. 

Về giáo dục, toàn thị xã có  65 cơ sở giáo dục, bao gồm 25 trường mầm non (10 trường tư thục); 25 trường tiểu học; 11 trường THCS; 3 trường THPT; 1 trường phổ thông dân tộc nội trú; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên; 100% xã, phường đã có trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người dân. 100% xã, phường được phủ sóng phát thanh truyền hình. Công tác xã hội hóa đầu tư các điểm vui chơi giải trí, thể dục thể thao cũng được chú trọng. Hiện nay trên địa bàn thị xã có 26 điểm karaokê, 19 quầy sách, báo và 29 đại lý Internet… Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở thiết chế văn hóa được thực hiện như: các sân thể thao quần vợt; bóng đá mini, bóng chuyền, cầu lông; nhà thi đấu ở các xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Chương trình 70 của Tỉnh ủy về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế. Đó là: Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) trên địa bàn còn chưa thật sự sâu rộng. Một số Đảng ủy, chính quyền xã, phường còn thiếu quan tâm đầu tư đúng mức nên chưa tạo được sự gắn kết hữu cơ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của địa phương. Công tác văn hóa có lúc còn chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Việc giữ gìn, phục hồi, phát triển các lễ hội truyền thống của các dân tộc ở địa phương còn thiếu chiều sâu, kết quả còn hạn chế. Việc kiểm tra, đôn đốc về các hoạt động văn hóa còn thiếu chặt chẽ, môi trường văn hóa còn bị ảnh hưởng của văn hóa phẩm ngoài luồng, độc hại…

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) trên địa bàn thị xã Buôn hồ, Thị ủy đề ra một số nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ thị xã đến cơ sở; gắn triển khai thực hiện Nghị quyết với phong trào xây dựng thôn mới và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đến các vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng phát thanh truyền hình, văn hóa; đầu tư, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở; chú trọng đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố, xã, phường văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách đời sống văn hóa giữa trung tâm thị xã và các xã xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn…

Ngô Trung Việt (Thị ủy Buôn Hồ)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.