Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Cần có giải pháp mạnh, hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế
Hôm qua (30-5), Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 - 2013, các đại biểu QH cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu, kịp thời để khắc phục. Trong 4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể. Lãi suất huy động cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nhiều đơn vị đang phải đối mặt với những khoản vay quá hạn lãi cao trong khi ngân hàng lại thừa vốn. Doanh nghiệp mong chờ lãi suất hạ từ lâu, giống như người ốm, mong mãi mới có thuốc, nhưng khi thuốc về thì bệnh đã nặng.
Một số đại biểu cho rằng, Ngân hàng nhà nước cần quan tâm, điều hành linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, đừng để doanh nghiệp có thị trường nhưng phải “chết” vì không tiếp cận được vốn. Có đại biểu chỉ ra, lạm phát thấp đã không còn được nhìn nhận là một thành tích, nhất là đứng trước tình trạng cả dòng tiền và hàng đều bị “ách lại” như hiện nay.
Đề cập đến tình hình đáng lo ngại hơn đang diễn biến trong nền kinh tế nước ta, đó là tâm thế chờ thời của nhiều doanh nghiệp, đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành..., có đại biểu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần minh bạch, công khai hơn để hóa giải tâm lý tiêu cực trên.
Cử tri cả nước, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi QH đưa ra quyết sách để ngăn chặn được xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, chấm dứt tình trạng trì trệ của nền kinh tế; đồng thời, vực dậy niềm tin cho thị trường trong mục tiêu dài hạn. Do đó, ưu tiên của giai đoạn tới là phải tập trung tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp có đà phát triển. chúng ta vẫn phải kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý . “Bóng ma” lạm phát vẫn đeo đuổi, ám ảnh nền kinh tế đất nước, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn cần sự tăng trưởng hợp lý. Để khắc phục tình trạng trì trệ của kinh tế hiện nay, giải pháp quan trọng là kích thích tổng cầu từ đầu tư nhà nước.
Không chỉ “ bắt bệnh” nền kinh tế, các đại biểu QH cũng rất quan tâm đến các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và vấn đề an toàn thực phẩm. Có đại biểu cho hay: Báo cáo của Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đề cập đậm nét hơn, vì đây là chuyện của mọi nhà và gây bức xúc trong thời gian qua. Chúng ta cần nhiều giải pháp hiệu quả, nếu không người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại. Cụ thể, cần phải ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu qua đường biên giới, không nên quanh quẩn truy xét trong các chợ đầu mối; cũng như cần thay đổi tập quán nuôi trồng của nông dân Việt Nam, nhất là việc lạm dụng hóa chất.
Hiện nay, cử tri có nhiều ý kiến không đồng tình với chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập, nhất là khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Theo ý kiến của một số đại biểu QH, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhận định trên là do thiếu hụt nhân lực y tế tại địa phương. Vì thế, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư xây dựng bệnh viện, cần quan tâm công tác đào tạo nhân lực y tế ở địa phương...
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc