Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tiếp tục duy trì hoạt động
*Phòng, chống cháy nổ đang là một nhiệm vụ cấp bách
Sáng qua (28-5), khi thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) nhất trí cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31-5-2013, có 2916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Do vậy, Chính phủ trình QH cho sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc này.
Theo lý giải của một số đại biểu, việc sửa đổi Điều 170 nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, sửa Điều 170 còn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước.
Có đại biểu nêu ý kiến cần phải rà soát chặt chẽ, những công ty, nhà máy nào không phù hợp với điều kiện hiện nay như máy móc cũ kỹ lạc hậu, có nhiều tác động ảnh hưởng môi trường thì không thể có chuyện đương nhiên gia hạn được, chỉ có điều sự rà soát này không nên trở thành một cơ chế xin – cho, và cũng không nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Phải kiên quyết chấm dứt những công ty không tương thích với công nghệ và môi trường của chúng ta.
Phòng chống cháy nổ đang là một nhiệm vụ cấp bách đối với đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiệt hại về vật chất đối với xã hội và nhân dân. Đây là nội dung chính được đại biểu QH thảo luận ở tổ sáng 28-5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Thời gian qua, kinh tế ngày càng phát triển kéo theo nhiều công trình cao tầng, nhà ở được xây dựng. Tuy nhiên, nhiều công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống cháy nổ. Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ diễn ra ở các toà nhà cao tầng, khu chung cư. Để khắc phục tình trạng cháy nổ một cách hiệu quả, chúng ta cần phải thẩm định việc đảm bảo an toàn PCCC ở các tòa nhà cao tầng, tòa nhà chung cư. Song song với việc thẩm định là mở lớp tập huấn PCCC trong nhà trường, các sở, ban, ngành, cơ quan để người dân có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ ở nơi sinh sống và nơi làm việc. Ý thức phòng chống cháy nổ của người dân chưa được cao nên mới xảy ra cháy nổ nhiều như hiện nay. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC đối với người dân thì địa phương cần dành nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị dự phòng chống cháy nổ. Từng địa phương nên có Quỹ PCCC dùng trong công tác tập huấn lực lượng phòng chống cháy nổ, mua sắm phương tiện PCCC.
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc