Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:36, 28/05/2013

Hôm qua (27-5), Quốc hội (QH) đã dành một ngày để thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau khi chỉnh lý, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Những quy định về chế độ chính trị; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; sở hữu đất đai, thu hồi đất đai; chính quyền địa phương... là những vấn đề được các đại biểu QH tập trung thảo luận.

Trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu QH đều nhất trí đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo, mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.

Trong cuộc thảo luận, các đại biểu tập trung góp ý đối với Điều 1 của chương I về tên nước. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Mặt khác, theo các đại biểu, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp. Tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gắn với chế độ, thời gian dài, gắn với sự hình thành, phát triển của đất nước và đã quen thuộc với người dân. Nếu đổi tên nước sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế.

Thảo luận tại tổ về Dự thảo, nhiều đại biểu đồng tình khẳng định việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.

Một trong những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm thảo luận là vấn đề thu hồi đất. Một số đại biểu cho rằng, phải thống nhất quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng quản lý đất đai phải rõ ràng, minh bạch. Theo đại biểu, phải định nghĩa thu hồi đất cho rõ ràng, trong trường hợp nào đền bù, trường hợp nào không đền bù? Vì thế, có đại biểu đề nghị, nếu dùng khái niệm thu hồi chung cho tất cả các trường hợp thì đền bù phải ngang nhau cho những dự án cùng khu vực, không được phân biệt tính chất dự án để đền bù cho người dân.

Có đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế  - xã hội dựa trên các cơ sở, các quy định của pháp luật, dựa trên môi trường đầu tư và nguồn lực đầu tư. Trong các nguồn lực đầu tư có một nguồn lực rất quan trọng không thể thiếu, đó là đất đai.  Theo Điều 57, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi là hợp lý. Tuy nhiên, vừa qua, rất nhiều các dự án kinh tế - xã hội do việc thu hồi đất không minh bạch đã tạo ra sự bức xúc xã hội. ..

Theo Chương trình, QH sẽ dành hai ngày (3 và 4-6) thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nội dung này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

                                                                               Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.