Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Xử lý nghiêm minh những vi phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước
* Cần giảm bớt thủ tục trong đăng ký thường trú, tạm trú
Khi thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đối, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, có đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng, Dự án Luật cần xác định rõ và đúng đối tượng đăng ký thường trú bởi trên thực tế có nhiều người đăng ký thường trú nhưng không đến ở nơi đó. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng quản lý nhân khẩu cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Theo một số đại biểu, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú cần quy định rõ về quản lý người đăng ký thường trú, tạm trú nhưng không nên giới hạn người làm thủ tục thường trú, tạm trú. Bởi lẽ, người dân và gia đình họ cũng cần phải làm thủ tục thường trú đến một nơi ở mới; tạm trú cho con đang đại học ở trên thành phố… Mặt khác, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đưa ra những quy định nhằm hạn chế việc nhập cư vào các thành phố lớn không có nghĩa là hạn chế người làm thủ tục tạm trú. Bởi hiện nay, kinh tế - xã hội ở các thành phố lớn phát triển hơn ở những vùng nông thôn, người dân có thể ra các thành phố lớn làm việc, học tập nên họ cần được cơ quan chức năng ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy phép tạm trú, để họ có thể dễ dàng hơn trong học tập, làm việc. Nếu muốn giảm bớt sức ép nhập cư vào các thành phố lớn thì chúng ta cần phải có chính sách vĩ mô là tăng cường đầu tư phát triển kinh tế-xã hội hơn nữa cho các vùng nông thôn.
Sáng 25-5, QH đã thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011.
Theo Báo cáo Thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 là 962.982 tỷ đồng. Trong đó, thu theo dự toán QH giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%). Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Thuế, Hải quan.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá: Thu ngân sách Nhà nước tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Chi cho một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển chung về kinh tế - xã hội.
Cho ý kiến về những nội dung này, các đại biểu đề nghị làm rõ hiệu quả chi ngân sách Nhà nước năm 2011, nhất là đối với những nội dung chi đầu tư, xây dựng cơ bản; đồng thời cần chỉ rõ những cá nhân, tổ chức chi sai nguyên tắc, không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. Một số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều khó khăn, việc sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2011 vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát. Vì thế, QH cần làm rõ những vi phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước để có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Báo cáo quyết toán ngân sách cần đi đôi với báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhất là trong các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu, sử dụng ngân sách Nhà nước để có căn cứ xử lý những hành vi sai phạm.
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc