Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo
* Nên linh hoạt các hình thức hòa giải
Thảo luận về dự án Luật Hòa giải cơ sở, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng, cần quy định rõ ràng về những trường hợp cần hòa giải, theo đó những trường hợp không phải xử lý hình sự, hành chính thì tiến hành hòa giải. Theo một số đại biểu, về phạm vi hòa giải, dự thảo lần này đã xác định các trường hợp loại trừ là tiếp thu cần thiết. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tội phạm, hành vi làm nhục người khác, vô ý làm tổn thương người khác.. thì không nên quy định cứng, nên linh hoạt để người dân được hòa giải nếu nạn nhân đồng thuận. Không nên quy định cứng tội phạm có yếu tố cấu thành hình sự thì không được hòa giải. Thực tế, các hành vi bạo lực gia đình, tội phạm vị thành niên, người có dấu hiệu tâm thần… nên cho phép hòa giải nếu các bên thỏa thuận được.
Về vấn đề bầu hay lựa chọn hòa giải viên, nhiều ý kiến tán thành bầu hòa giải viên nhưng cần quy định tỷ lệ cứng 1/2 hộ gia đình họp để bầu hòa giải viên. Bởi vì, hòa giải viên phải là người có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt, được cộng đồng công nhận, được Chủ tịch UBND xã có quyết định công nhận. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa về quy trình bầu hòa giải viên.
Về Luật Tiếp công dân, khi thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu QH đã tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn và cho rằng nhìn chung các quy định dự thảo Luật Tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân.
Một số đại biểu cho rằng, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Do đó, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác. Đa số các ý kiến cho rằng, khi công dân đến trụ sở tiếp dân, họ đều có mục đích, nguyện vọng rất rõ ràng, vì thế trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp dân phải hết sức cụ thể. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trả lời bằng văn bản. Một thực tế hiện nay, trong tiếp công dân, người đứng đầu rất ít khi xuất hiện. Nếu người đứng đầu (từ trung ương đến địa phương), xuất hiện trong các cuộc tiếp dân thì các bức xúc của dân được giải quyết nhanh hơn nhiều. Tình trạng hiện nay là trung ương nhận đơn, sau đó chuyển cho địa phương xử lý, đó là lý do khiến việc khiếu nại của dân dai dẳng rất nhiều. Ngoài ra, khi luật này ra, từ trung ương đến địa phương sẽ có trụ sở tiếp dân, vì thế cần sự liên thông giải quyết bức xúc của dân, thống nhất trong hệ thống tiếp dân. Nếu không làm tốt thì một đơn khiếu nại của dân có thể được gửi đến tất cả các trụ sở tiếp dân.
Một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước, bởi vì các tổ chức, đơn vị này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước. Góp ý về điều này, một số đại biểu đề nghị dự thảo luật chỉ cần giới hạn quy định về việc tiếp công dân của các cơ quan nhà nước hoặc chỉ đối với các cơ quan hành chính nhà nước nhằm trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, gắn với quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc