Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ: Những kết quả đáng ghi nhận sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

14:04, 03/07/2013

Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ được thành lập đầu năm 2009, ngay sau đó Hội đã được đón nhận sự ra đời của Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết T.Ư7).

Ý thức được tầm quan trọng của Nghị quyết, Thị Hội đã chủ động quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, đồng thời đưa nội dung Nghị quyết vào Nghị quyết Đại hội biểu Hội Nông dân thị xã và cơ sở; xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, gắn thực hiện Nghị quyết với triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã. Trên cơ sở đó động viên cán bộ, hội viên và nông dân phát huy truyền thống của giai cấp nông dân và tổ chức hội, nâng cao ý thức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tăng cường đoàn kết, cùng nhau chung sức phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Một mô hình trồng nấm cho thu nhập cao của hộ nông dân thị xã Buôn Hồ.
Một mô hình trồng nấm cho thu nhập cao của hộ nông dân thị xã Buôn Hồ.

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thị xã đã tuyên truyền Nghị quyết T.Ư7 với các Nghị quyết, văn bản khác có liên quan và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được 685 buổi cho 92.130 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự; phối hợp với báo, đài truyền hình làm phóng sự và đưa tin những điển hình tiên tiến, xuất sắc về mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư7, các phong trào của Hội đã đạt được kết quả tốt. Hằng năm có hơn 8.000 hộ nông dân đăng ký và đăng ký lại hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó 5.509 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội đã phối hợp với các phòng, ban, trạm và các đơn vị kinh tế mở được 647 lớp tập huấn, hội thảo khoa học kỹ thuật cho 35.671 lượt hội viên tham gia. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh được các cấp hội triển khai tích cực. Hội cũng chú trọng việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững, rau an toàn, chăn nuôi một số gia cầm sạch; qua đó đã thu hút trên 890 hộ nông dân tham gia với 16 nhóm liên kết sản xuất có chứng nhận, trong đó có 807 hộ nông dân tham mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận bước đầu với sự liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Các cấp hội đã vận động nông dân đóng góp được 5,7 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động và tu sửa, nâng cấp 209,5 km đường giao thông nông thôn, 55 km kênh mương nội đồng, góp phần thực hiện tích cực vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được 2,087 tỷ đồng (trong đó 887 triệu đồng từ việc đóng góp của hội viên và 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương); nguồn quỹ trên đã hỗ trợ trên 55 hộ nông dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội thành lập các tổ tín dụng, tổ tiết kiệm và vay vốn; đến nay đã có 128 tổ với gần 4.000 thành viên, dư nợ 73,71 tỷ đồng.  Ngoài ra, Thị Hội đã tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho trên 6.000 hộ hội viên, trị giá trên 28 tỷ đồng...

Công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh luôn được các cấp hội quan tâm thực hiện. Trong đó, nhiều loại hình tập hợp mới được các cấp hội triển khai thực hiện như: tổ hùn vốn, tổ tín dụng, tiết kiệm, câu lạc bộ khuyến nông; tổ an ninh nhân dân, câu lạc bộ nông dân với pháp luật... đã đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, qua đó đã tập hợp được đông đảo nông dân vào tổ chức hội. Trong 5 năm qua, đã kết nạp được 3.075 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn thị xã lên 13.970 người. Đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố có tổ chức hội với 149 chi hội. Nhiều chi hội thường xuyên tổ chức sinh hoạt lồng ghép thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua của địa phương và của hội, gắn với việc hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ cho nông dân… vì vậy đã thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt tổ chức hội, tỷ lệ đạt trên 70%. Thị Hội cũng đã gắn việc thực hiện Nghị quyết T.Ư7 với thực hiện các phong trào thi đua như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ sở và chi hội; hằng năm tổ chức kiểm tra đánh giá và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào.

Các cấp hội cũng đã chủ động phối hợp với ngành Công an, các ngành liên quan tích cực tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm phòng chống tội phạm, xây dựng các tổ tự quản và tổ hội vừa là tổ an ninh vừa là tổ liên gia hòa giải ở thôn, buôn, tổ dân phố; phát động toàn dân đoàn kết xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội; vận động hội viên, nông dân cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hằng năm các cấp hội còn tổ chức cho hội viên nông dân tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với giáo dục ý thức công dân, truyền thống gia đình, dòng tộc và nếp sống văn minh ở khu dân cư, được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng như: Hội thi “Tiếng hát đồng quê”, các giải bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, hội thi “Chi hội nông dân giỏi”; “Nhà nông đua tài”… vận động hội viên tích cực xây dựng gia đình, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa. Hằng năm có khoảng 12.000 hộ gia đình nông dân đăng ký gia đình văn hóa, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng người nông dân trong thời kỳ mới, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, tiến bộ và phát triển bền vững...

Ngô Trung Việt

(Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Buôn Hồ)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.