Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (19-7-1946 – 19-7-2013):

Góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước

09:13, 19/07/2013

Ngày 24-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Tiếp đó, ngày 19-7-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.

Ra đời năm 1946, ngành Thi hành án dân sự có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn khác nhau thông qua các Pháp lệnh năm 1989, Pháp lệnh năm 1993, Pháp lệnh năm 2004 và hiện nay là Luật thi hành án dân sự năm 2008. Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, ngành Thi hành án dân sự cũng dần phát triển lớn mạnh không ngừng cả về quy mô, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để ghi nhận bề dày lịch sử và thành tích 67 năm hình thành và phát triển của ngành Thi hành án dân sự, ngày 5-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 379/QĐ-THA lấy ngày 19-7 hằng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”.

Theo Pháp lệnh thi hành án năm 1993, thì hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được xây dựng theo cơ cấu từ Trung ương đến cấp huyện, do Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo. Thực hiện Pháp lệnh này, các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Dak Lak được tách lập từ Tòa án tỉnh và Tòa án cấp huyện của tỉnh Dak Lak. Sau khi bàn giao, biên chế của toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh chỉ còn có 40 người, trong đó có 26 Chấp hành viên. Cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, phần lớn các Đội thi hành án chỉ có 1 phòng làm việc nằm trong trụ sở của UBND huyện hoặc mượn nhờ các đơn vị khác, không có trụ sở riêng; Trang thiết bị phục vụ công tác rất thiếu, kinh phí được cấp rất hạn hẹp, nên hoạt động gặp rất nhiều khó khăn…

Năm 2004, các cơ quan Thi hành án dân sự từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp trở thành cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện. Cũng vào thời điểm đầu năm 2004, tỉnh Dak Lak chia thành hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông, nên hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự còn lại 14 đơn vị, gồm Thi hành án dân sự tỉnh và 13 đơn vị Thi hành án dân sự cấp huyện. Biên chế toàn Ngành có 93 người, trong đó có 34 Chấp hành viên.

Ngày 14-11-2008, Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Từ đây, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự được quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Ở Trung ương có Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, ở cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự và cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự. Với nhiều quy định mới, tiến bộ, việc triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự đến nay đã có những chuyển biến tích cực, vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự được nâng lên; Công tác thi hành án dân sự đã thể hiện được vai trò quan trọng và ngang tầm với các hoạt động Tư pháp khác. Đến nay, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Dak Lak có 16 đơn vị gồm Cục Thi hành án dân sự tỉnh, 15 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, thành phố, thị xã. Đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động gồm 235 người, trong đó có 76 Chấp hành viên. Về cơ sở vật chất, 14/16 cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh đã được xây dựng trụ sở làm việc, 4 đơn vị  đã được xây dựng kho vật chứng, phục vụ tốt yêu cầu công tác.

Đồng chí Bùi Đăng Thủy trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012  cho cán bộ nhân viên đơn vị.
Đồng chí Bùi Đăng Thủy trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012 cho cán bộ nhân viên đơn vị.

Sau 20 năm tách lập từ Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh (1-7-1993) cho đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Dak Lak đã thụ lý giải quyết một khối lượng án rất lớn cả về việc và tiền. Cụ thể, đã thụ lý tổng cộng 154.031 vụ việc, với số tiền 5.107.687.984.000 đồng. Kết quả đã giải quyết xong 147.267 việc với số tiền 4.462.171.659.000 đồng, đạt tỷ lệ 95,61% về việc và 87,36% về tiền thụ lý thi hành. Đây là một kết quả rất cao so với mặt bằng chung của cả nước. Điển hình là trong năm 2012, ngành Thi hành án dân sự tỉnh thụ lý tổng cộng 17.322 việc với số tiền 1.131.650.874.000 đồng, trong đó; kết quả thi hành xong 10.844 việc, với số tiền 259.957.526.000 đồng, đạt tỷ lệ 90,84% về việc và 80,31% về tiền so với số việc, tiền có điều kiện thi hành, vượt 3,84 % về việc và 8,31% về tiền so với chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Trong khi đó, từ đầu năm 2013 đến nay, ngành đã thụ lý 14.878 việc với số tiền 998.321.830.000 đồng, kết quả thi hành xong 8.114 việc, với số tiền 352.805.505.000 đồng, đạt tỷ lệ 71% về việc và 59% về tiền trên số việc, tiền có điều kiện thi hành. Án chuyển kỳ sau tại thời điểm năm 2012 của toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh đạt 14%, vượt chỉ tiêu 4% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp,... Cùng với công tác chuyên môn, ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã không ngừng quan tâm, chú trọng công tác xây dựng đảng, củng cố và kiện toàn các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh đã tách và thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh, Chi hội Luật gia hoạt động độc lập. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể đều hoạt động có hiệu quả, nên đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị của cơ quan trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được thì ngành Thi hành án dân sự tỉnh Dak Lak cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án. Trong đó nổi lên là tình hình suy thoái và lạm phát kinh tế thế giới thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới kinh tế nước ta; các loại tội phạm về hình sự, kinh tế; tranh chấp dân sự có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp... đã khiến cho nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tại địa bàn tỉnh Dak Lak tập trung khá đông các thành phần dân tộc cùng chung sống, có nhiều tôn giáo khác nhau nên có nhiều nét văn hóa riêng biệt, nên rất khó khăn cho công tác vận động, giáo dục, thuyết phục trong thi hành án. Mặt khác, trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự của một số người phải thi hành án còn nhiều hạn chế, nhiều đối tượng có điều kiện thi hành án nhưng cố tình dây dưa, chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài hoặc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Trong khi đó thể chế mới của pháp luật về thi hành án dân sự tuy đã có sự thay đổi tích cực, song vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho công tác thi hành án... Đây chính là những khó khăn, trở ngại và là thách thức lớn đối với ngành Thi hành án dân sự tại địa phương.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành nên trong những năm qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã được Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua Ngành Tư pháp cho 2 cá nhân; công nhận gương điển hình trong phong trào thi đua ngành Tư pháp giai đoạn 2001 – 2005, giai đoạn 2005–2010 cho 2 lượt cá nhân và 2 lượt tập thể; tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 6 lượt tập thể; tặng Bằng khen cho 47 lượt cá nhân, 20 lượt tập thể. Đáng chú ý là năm 2007, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Dak Lak vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hiện nay đang được xét tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì.

Nhìn lại lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của ngành, có thể thấy, Thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng. Với những thành tựu và cả hạn chế trong thời gian qua chính là bài học quý giá cho hiện tại và tương lai của ngành Thi hành án dân sự. Để từ đó, dù ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự Dak Lak vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Bùi Đăng Thủy

(Cục trưởng Cục THADS Dak Lak)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc