Thực trạng và kinh nghiệm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh
Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của toàn Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Thực trạng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh
Đảng bộ tỉnh Dak Lak có 21 đảng bộ trực thuộc, với 797 tổ chức cơ sở đảng và 55.641 đảng viên, trong đó đảng viên nữ chiếm 31,6%, đảng viên dân tộc thiểu số chiếm 14,72%, đảng viên trong các tôn giáo chiếm 0,78%; đảng viên đã nghỉ hưu, mất sức theo chế độ chiếm 9,12%.
Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của toàn Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đã nêu rõ: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách và Điều lệ Đảng được tuân thủ một các nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả. Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát. Thường xuyên kiện toàn Ủy ban kiểm tra các cấp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đảm bảo các điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ nhận thức trên, căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 và Chương trình số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm đối với tổ chức đảng theo hướng tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình mới, chú trọng kiểm tra, giám sát trách nhiệm lãnh đạo, điều hành đối với đảng viên là cán bộ chủ chốt ở các địa phương, đơn vị.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay (năm 2011, 2012 và 2013) các cấp ủy trong toàn Đảng bộ đã tiến hành kiểm tra được 1.939 tổ chức đảng; trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra 14 tổ chức, huyện ủy và tương đương kiểm tra được 203 tổ chức, cấp ủy cơ sở kiểm tra 1.722 tổ chức. Kiểm tra 53.541 lượt đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt (có 6.371 trường hợp là cấp ủy viên) về trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua kiểm tra kết luận, 9 tổ chức và 35 trường hợp đảng viên có vi phạm nội dung được kiểm tra; phải thi hành kỷ luật đối với 4 đảng viên.
Đồng chí Trần Ngọc Tuấn, UVBTVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì làm việc với cán bộ cơ sở. (Ảnh: Hồng Thủy) |
Cấp ủy các cấp tiến hành giám sát chuyên đề đối với 693 tổ chức và 3.607 đảng viên; trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giám sát 5 tổ chức và 7 đảng viên (có 4 Tỉnh ủy viên); huyện ủy và tương đương giám sát 62 tổ chức và 51 đảng viên; đảng ủy cơ sở giám sát đối với 623 tổ chức và 2.441 đảng viên; chi bộ giám sát 1.108 lượt đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010-2015 và hằng năm một cách cụ thể, xác định nội dung, đối tượng có trọng tâm, trọng điểm và đã triển khai thực hiện đạt kết quả trên các mặt như sau:
Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra đối với 39 tổ chức đảng cấp dưới và 816 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận các trường hợp được kiểm tra đều có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 685 đảng viên và 15 tổ chức.
Cùng với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm túc theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 1.180 tổ chức đảng. Giám sát theo chuyên đề đối với 414 tổ chức và 459 đảng viên. Giải quyết tố cáo đối với 5 tổ chức đảng và 178 đảng viên. Kiểm tra thu, chi ngân sách đối với 10 tổ chức. Qua kiểm tra, kết luận 05 tổ chức và 04 đảng viên có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, với tổng số tiền sai phạm 1.122.954.000 đồng, trong đó, phải thu hồi 72.749.000 đồng; phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức và 1 đảng viên. Kiểm tra 897 tổ chức đảng về thu nộp và sử dụng đảng phí với tổng số đảng viên được kiểm tra 9.671 đồng chí. Qua kiểm tra, kết luận phần lớn các tổ chức đã thực hiện tốt việc thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí. Tuy nhiên, còn 30 tổ chức và 324 đảng viên vi phạm về thu, nộp đảng phí; 448 tổ chức vi pham về quản lý, sử dụng đảng phí, phải truy thu đảng phí với tổng số tiền là 76.983.000 đồng.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp xác định thi hành kỷ luật trong đảng là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, nhằm giữ vững kỷ cương của Đảng, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng và đảng viên, vì vậy việc thi hành kỷ luật cơ bản đã thực hiện tốt phương hướng, phương châm về thi hành kỷ luật, bảo đảm về nguyên tắc, thủ tục; xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng lỗi với phương châm “công minh - chính xác - kịp thời”. Trong 3 năm, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 15 tổ chức đảng, với các hình thức: khiển trách 11, cảnh cáo 4 tổ chức. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 746 trường hợp (chiếm 1,34% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ); với các hình thức: khiển trách 362, cảnh cáo 287, cách chức 40, khai trừ 57 đảng viên; trong tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật có 256 trường hợp cấp ủy viên các cấp (1 Tỉnh ủy viên, 15 Huyện ủy viên và tương đương, 143 Đảng ủy viên cơ sở, 97 Chi ủy viên), chiếm 34,32% so với tổng số bị thi hành kỷ luật. Ngoài ra, đã đề nghị các cơ quan chức năng đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên đối với 124 đảng viên, xử lý pháp luật 32 đảng viên, xử lý hành chính 36 đảng viên và xử lý trách nhiệm vật chất do vi phạm.
Đạt được kết quả nêu trên là do, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã tổ chức quán triệt nghiêm túc, kịp thời các quy định, quyết định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đến cán bộ, đảng viên và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội về tầm quan trọng, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được giao. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là chủ động phát hiện, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng; thực hiện tốt phương hướng, phương châm nguyên tắc, thủ tục trong thi hành kỷ luật Đảng; đồng thời, chủ động tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra chấp hành nghị quyết, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tổ chức đảng và đảng viên chủ chốt nên đã ngăn ngừa khuyết điểm, vi phạm, góp phần tích cực trong công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động thực hiện tốt quy chế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nên đã góp phần quan trọng để các tổ chức đảng xem xét, làm rõ trách nhiệm đối với đảng viên, xử lý đúng người, đúng lỗi phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác này ở cơ sở chưa cao. Việc theo dõi, đôn đốc các tổ chức đảng chấp hành kết luận kiểm tra, giám sát chưa được chú trọng.
Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát mới chỉ ra những mặt ưu, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra mà chưa làm tốt công tác biểu dương, nhân rộng những giải pháp tích cực, những cách làm sáng tạo, có hiệu quả và phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình… của cấp ủy các cấp, từ đó đề ra những giải pháp tích cực để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết, chương trình… hàng năm cấp ủy đã đề ra.
Ủy ban kiểm tra các cấp chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ đảng viên trong Đảng bộ; chưa chủ động nắm tình hình địa bàn, phối hợp với cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới, các ban, ngành trong thực hiện quy chế phối hợp để nắm thông tin, kịp thời phát hiện và kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, nên trong thời gian qua việc thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế, phần lớn các cuộc kiểm tra tiến hành khi vi phạm đã rõ, do đó, chưa làm tốt việc chủ động ngăn ngừa vi phạm khi mới manh nha.
Việc chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng của Ủy ban kiểm tra cấp trên đối với Ủy ban kiểm tra cấp dưới chưa được thường xuyên. Một số Ủy ban kiểm tra cấp dưới chưa chủ động tham mưu giúp cấp ủy triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng.
Một số kinh nghiệm rút ra qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại Đảng bộ tỉnh
Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Có nhận thức đúng thì mới xác định được trách nhiệm, mới có quyết tâm để lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả. Ở đâu cấp ủy có nhận thức đúng, có trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng được chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện khoa học thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đạt hiệu quả tốt.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cần có sự linh hoạt, nhạy bén, vận dụng sáng tạo nhưng bảo đảm các nguyên tắc, quy trình của Đảng, quy chế làm việc; phát huy dân chủ nội bộ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân phụ trách; khen thưởng kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên có thành tích xuất sắc, đồng thời phê bình, xử lý nghiêm minh những địa phương, đơn vị, người đứng đầu có khuyết điểm, vi phạm qua công tác kiểm tra, giám sát, từ đó khơi dậy những nhân tố tích cực, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Ngọc Tuấn (bìa trái) UVBTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao đổi công việc với cán bộ trong ban. |
Các cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng giữa Ủy ban kiểm tra với các ban của cấp ủy, tổ chức đảng, ban ngành có liên quan; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên việc sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng để kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.
Để làm tốt công tác giám sát phải dựa vào sự giám sát của nhân dân và sự phối hợp giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; làm cho việc giám sát trong nội bộ Đảng thực sự công khai, minh bạch.
Kiên quyết xử lý và chỉ đạo xử lý nghiêm minh các trường hợp đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, góp phần làm trong sạch, vững mạnh nội bộ Đảng.
Cấp ủy các cấp cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao, không bị chi phối bởi mọi sức ép, kiên quyết, thẳng thắn, vững vàng trước mọi cám dỗ, có dũng khí đấu tranh với mọi hành vi vi phạm, công tâm, khách quan, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, hiểu biết sâu sắc về công tác xây dựng Đảng, tinh thông về công tác kiểm tra, có kiến thức toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nắm vững pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp công tác khoa học.
Trần Ngọc Tuấn
(UVBTVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc