Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh:
Những kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013
Năm 2013 là năm đầu tiên ngành KSND triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013 (gọi tắt là Nghị quyết số 37).
Đây cũng là lần đầu tiên, Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên đề đối với các cơ quan tư pháp nói chung và ngành KSND nói riêng; đây vừa là vinh dự nhưng đồng thời là trọng trách nặng nề cho các cơ quan tư pháp. Vì vậy, muốn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao thì ngoài việc phải đề ra các giải pháp để tổ chức thực hiện trong từng đơn vị, các cơ quan tư pháp còn cần phải có sự phối hợp với nhau để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Hội nghị giao ban công tác 5 tháng đầu năm 2013 của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ảnh: Hữu Thức |
Đối với ngành KSND tỉnh, ngay từ đầu năm, khi tiến hành xây dựng kế hoạch công tác của ngành năm 2013, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo việc bám sát các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 37 đã giao cho ngành KSND, bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2013 và hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành. Theo đó, kế hoạch công tác năm 2013 của ngành KSND tỉnh đã giao chỉ tiêu công tác cụ thể cho từng đơn vị trong ngành và bắt buộc các chỉ tiêu đó phải bằng hoặc cao hơn các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 37 và ngành cấp trên đã đề ra; trong đó tập trung thực hiện các khâu đột phá để thực hiện một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, như: nâng cao số lượng, chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; ra quyết định truy tố đúng thời hạn các vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; việc truy tố bị can bảo đảm đúng tội; nâng cao chất lượng các loại kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm về hình sự; chấm dứt việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật… Đồng thời trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện của các đơn vị; giao trách nhiệm cho các phòng nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ cho các viện kiểm sát cấp huyện, vì vậy các phòng đã kịp thời có thông báo biểu dương đối với các đơn vị có những sáng kiến hay, cách làm mới để mang lại kết quả tốt; đồng thời cũng rút kinh nghiệm đối với các đơn vị để xảy ra những sai sót, vi phạm.
Nhờ bám sát chỉ tiêu, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc kịp thời trong quá trình thực hiện, nên bước đầu ngành KSND tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37 của Quốc hội như: đã phối hợp với Cơ quan điều tra giải quyết được 815 tin/ 1.128 tin báo tội phạm (đạt 72,2%, cao hơn 14,2% so với cùng kỳ năm 2012); ra quyết định truy tố 669 vụ/ 678 vụ (đạt 98,7%), các bị can đã truy tố bảo đảm đúng tội 100%; chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm các loại án hình sự, dân sự được nâng lên…
Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, ngành KSND tỉnh còn quan tâm thực hiện tốt công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tổng hợp tình hình, làm rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến gia tăng của một số loại tội phạm, để kịp thời ban hành kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 37 đã giao cho ngành KSND là: “…báo cáo, đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp…”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này trong ngành KSND tỉnh, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả hai cấp kiểm sát phải cập nhật, tổng hợp và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Theo đó, ngoài việc mở sổ theo dõi, tổng hợp các vi phạm theo yêu cầu của Viện KSND tối cao, ngành KSND tỉnh đã tiếp tục thực hiện việc cập nhật, tổng hợp vi phạm của các cơ quan tư pháp qua các loại sổ mà ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả từ nhiều năm nay. Trên cơ sở cập nhật tình hình vi phạm trong hoạt động tư pháp, ngành KSND tỉnh định kỳ hằng tháng, 6 tháng đã xây dựng báo theo yêu cầu của Viện KSND tối cao một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời, qua đó đã đánh giá được một cách tổng quát về những vi phạm của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp; nhưng quan trọng hơn là qua tổng hợp vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong 6 tháng đầu năm 2013, hai cấp kiểm sát trong tỉnh đã ban hành 161 kháng nghị, kiến nghị trên tất cả các khâu công tác nghiệp vụ, để yêu cầu các cơ quan có liên quan khắc phục các vi phạm. Viện KSND tỉnh cũng đã tổng hợp những vi phạm trong ngành KSND tỉnh và kịp thời ban hành 41 thông báo rút kinh nghiệm đến các đơn vị trong nội bộ ngành để chấn chỉnh những vi phạm đó.
Bên cạnh việc cụ thể hóa các chỉ tiêu vào kế hoạch công tác và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện trong ngành, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo cả hai cấp kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp đề ra các chỉ tiêu để thực hiện tốt Nghị quyết số 37 trong chương trình công tác phối hợp liên ngành ở cả hai cấp năm 2013. Ngoài ra, trong quá trình công tác, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp cùng cấp để thực hiện một số chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Một số kết quả bước đầu trên đây đã giúp cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên ngành KSND tỉnh nâng cao năng lực, trình độ và trách nhiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND. Qua đó đã góp phần bảo đảm tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường pháp chế XHCN; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính ở địa phương.
Thạc sĩ Trần Đình Sơn
(Viện trưởng Viện KSND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc