Multimedia Đọc Báo in

Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

16:04, 13/10/2013
Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của ủy ban kiểm tra các cấp được quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng. Vì vậy, nghiên cứu và thực hiện tốt nhiệm vụ này có vị trí rất quan trọng đối với uỷ ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra các cấp và đảng viên trong tình hình hiện nay.

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010- 2015), Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được củng cố, tăng cường đáng kể so với trước đây, do đó việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng đã đạt nhiều thành quả, trong đó có công tác phát hiện, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, quá trình thực nhiệm vụ phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới - đảng viên, nhất là kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ chủ chốt khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại, vì đối tượng kiểm tra sợ bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, sợ mất thành tích, thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, đối phó, phản ứng, thiếu cộng tác và tổ chức đảng có liên quan thường e ngại, không muốn cộng tác trong quá trình kiểm tra. Một bộ phận ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra thiếu bản lĩnh, tính chiến đấu, nên có biểu hiện né tránh, nể nang, ngại va chạm.

Để khắc phục tình trạng trên đây, cần phải thường xuyên coi trọng việc nâng cao nhận thức cho các tổ chức đảng, nhất là cấp ủy các cấp về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tác dụng của việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Cấp ủy các cấp phải có nhận thức đúng và quan tâm, tạo điều kiện cho ủy ban kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Trong quá trình tiến hành kiểm tra phải bảo đảm dân chủ, chú trọng công tác tư tưởng cho đối tượng được kiểm tra, động viên giúp đối tượng kiểm tra tránh mặc cảm, định kiến để tích cực cộng tác, chấp hành tốt yêu cầu của đoàn kiểm tra khi được kiểm tra; nêu cao ý thức tự giác của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra trong việc chuẩn bị và báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực các nội dung kiểm tra, thấy được ưu điểm để phát huy và thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có); tự nhận hình thức kỷ luật đúng với nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân của vi phạm, tỏ rõ sự quyết tâm sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; tránh hiện tượng đỗ lỗi cho khách quan hoặc bị phát hiện, đến đâu nhận đến đó.

Cán bộ kiểm tra phải bình tĩnh, kiên quyết, nhạy bén, thể hiện rõ bản lĩnh, chính kiến của mình khi tiếp cận, làm việc với đối tượng kiểm tra để việc kiểm tra đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Tránh hai khuynh hướng:

- Thiếu công tâm, thiếu thận trọng, khách quan, thiếu dân chủ trong quá trình giải quyết công việc.

- Có tác phong, lời nói, hành động hù dọa, gây khó khăn tạo ức chế cho đối tượng kiểm tra, để tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên được kiểm tra hiểu lầm cho là kiêu ngạo kiểm tra.

Nội dung kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm rất rộng, thuộc nhiều lĩnh vực, phức tạp và khó khăn. Vì vậy, để kiểm tra có hiệu quả đòi hỏi phải thường xuyên theo dõi nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm qua các nguồn thông tin để quyết định và tiến hành kiểm tra.

Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm có thể kết hợp kiểm tra một số đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt có dấu hiệu vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm mới thì đoàn kiểm tra đề nghị thường trực UBKT xem xét quyết định bổ sung nội dung kiểm tra.

Khi gặp phải những trường hợp phức tạp không đủ khả năng xem xét, làm rõ thì đoàn kiểm tra cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ và tham khảo ý kiến đánh giá về nội dung kiểm tra.

Quá trình kiểm tra phải thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình; bảo đảm khách quan, trung thực, dân chủ, chính xác.

Cù Huy Luyện


Ý kiến bạn đọc