Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

10:42, 29/10/2013
Là một người Cộng sản chân chính, Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, yêu thương quý trọng người lao động, đề cao giá trị nhân phẩm người phụ nữ.
Bác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao.   Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã quan sát và tìm hiểu xem cuộc sống và quyền lợi của phụ nữ ở các nước tư bản và thuộc địa như thế nào. Từ những điều quan sát được Hồ Chí Minh đã vạch rõ: Bọn đế quốc, bọn phong kiến ra sức duy trì tình trạng không bình đẳng giữa nam và nữ để củng cố quyền lực của chúng và làm giàu trên xương máu của chị em, theo niên biểu thống kê Đông Dương năm 1939-1940, tiền lương phụ nữ chỉ bằng 2/3 tiền lương nam giới... Năm 1940, Người lại viết: Dưới chế độ phong kiến thực dân, tư tưởng trọng nam khinh nữ được biện bạch là hợp lý, là không thể thay đổi được. Những phong tục tập quán lạc hậu cổ hủ, đạo đức phong kiến, tam tòng tứ đức được khuyến khích để duy trì, trói buộc, đày đọa người phụ nữ, chà đạp lên tình cảm chị em. Vì vậy người phụ nữ không những bị hành hạ, thiếu thốn về vật chất, ốm đau về bệnh tật mà còn rất đau khổ về mặt tinh thần, tình cảnh lẽ mọn, làm thiếp tôi đòi ngay chính trong gia đình mình. Chúng còn lấy tôn giáo thần quyền, mê tín dị đoan hòng đầu độc tinh thần người phụ nữ, làm chị em cam phận tôi đòi.

 Hồ Chí Minh thấu hiểu cảnh sống cùng cực của người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến. Người chia sẻ cùng chị em và đưa ra những tư tưởng để giác ngộ, giáo dục, hướng dẫn họ tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng của đất nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và tự giải phóng chính mình. Nghiên cứu thắng lợi của Cách mạng Tháng 10 Nga, Người đưa ra kết luận: “Cách mệnh  Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế cũng vì đàn bà, con gái hết sức giúp vào... Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia vào mới thành công”

Dưới sự động viên của Hồ Chủ tịch, của Đảng, phong trào hoạt động của phụ nữ phát triển mạnh trong các tổ chức của Đảng, nhiều chị em là đảng viên ưu tú, những cán bộ nòng cốt của phong trào phụ nữ Việt Nam. Theo Người, “Chúng ta làm cách mệnh để giành lấy tự do, dân chủ, bình đẳng, trai gái ngang quyền nhau, không để phụ nữ bị áp bức, bị coi thường là mục tiêu của Cách mạng Việt Nam”. Và ngay trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng (3-2-1930) Người nêu rõ: “Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ…, thực hiện nam, nữ bình quyền”.

Luận thuyết đơn giản nhưng chí lý của C.Mác và V.I Lênin là một căn cứ quan trọng để Bác nêu lên quan điểm có tính nguyên lý: “Không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Khi Đảng ta được thành lập và lãnh đạo nhân dân ta giành được chủ quyền cho đất nước, tư tưởng và quan điểm của Bác về giải phóng phụ nữ đã được hiện thực hóa bằng các chủ trương, chính sách của Đảng và luật pháp Nhà nước. Tháng 11-2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007; Nghị quyết 11-NQ/T.Ư ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm cơ hội, năng lực tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhờ vậy, không chỉ góp phần to lớn trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng tiếp tục tỏ rõ năng lực và góp sức đắc lực vào công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Hiện nay, phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của  đời sống xã hội; tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng cao.

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc