Multimedia Đọc Báo in

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những năm Ngọ đầy dấu ấn

21:17, 30/01/2014
Mùa xuân Giáp Ngọ 2014 - mùa xuân đầu tiên vắng bóng vị tướng huyền thoại của đất nước Việt Nam, vị tướng của nhân dân, được toàn dân yêu mến, kính trọng, tự hào - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ảnh Đại tướng trong hồ sơ mật thám Pháp 10-1930.
Ảnh Đại tướng trong hồ sơ mật thám Pháp 10-1930.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ tuổi ấu thơ, người con của làng An Xá đã nổi tiếng là một người thông minh, học giỏi và hiếu động. Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1918) cậu bé làng An Xá mới lên 7 tuổi đã hiếu động với những trò chơi trốn tìm, bắt tổ chim, trèo cây hái quả và dàn trận đánh giặc giả. Đây cũng là những năm đầu cậu tham gia lớp học đồng ấu ở quê nhà. Học xong lớp 3 cậu phải xuống thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới) học tiếp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu toàn tỉnh. Về làng, cậu được dân làng nể trọng, gia đình rất tự hào về cậu.
Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên GIáp và Bộ Chính trị bàn bạc kế hoạch Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên GIáp và Bộ Chính trị bàn bạc kế hoạch Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Bước vào năm Canh Ngọ (1930), cậu bé làng An Xá xưa đã trở thành một thanh niên 19 tuổi. Yêu nước, nhiệt tình cách mạng nên đầu tháng 10-1930, trong sự kiện Xô Viết - Nghệ Tĩnh, người thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam vào lao Thừa Phủ (Huế). Cũng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ trong thời gian này còn có ông Võ Thuần Nho (em trai Đại tướng), ông Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng và người con gái thành Vinh - Nguyễn Thị Quang Thái. Trong lao Thừa Phủ, mối tình giữa chàng trai Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái nảy nở. Quang Thái lúc ấy mới ở tuổi trăng tròn. Người thiếu nữ 16 tuổi ấy nét mặt còn ngây thơ nhưng tinh thần thật bất khuất. Bài thơ đầy khí phách của Quang Thái được truyền nhau khắp nhà lao: “Mười sáu xuân qua sống ở đời/ Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi/ Trông phường đế quốc lòng ngao ngán/ Thấy bạn cần lao dạ rối bời/ Quyết chí hy sinh thây kệ chết/ Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi/ Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười”. Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được ra tù với điều kiện phải trở về quê và bị quản thúc. Chị Quang Thái cũng được trả tự do trong dịp này.

Đại tướng và phu nhân tại Quảng Bình năm 2002
Đại tướng và phu nhân tại Quảng Bình năm 2002.

12 năm sau, vào năm Nhâm Ngọ 1942, sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám tháng 5-1941, Việt Bắc được chọn làm khu căn cứ địa để xây dựng lực lượng khởi nghĩa vũ trang. Do đó, vấn đề liên lạc giữa các địa phương trong khu cách mạng Việt Bắc với nhau và giữa Trung ương với các tỉnh trong cả nước càng cấp thiết. Để thực hiện yêu cầu cấp thiết đó, bên cạnh hình thức giao thông bí mật từ trước, Trung ương và Bác Hồ đã chỉ thị “Xây dựng những con đường quần chúng” để nối phong trào cách mạng Cao Bằng với Thái Nguyên và toàn quốc mới có điều kiện thuận lợi cho việc tổng khởi nghĩa vũ trang. Thực hiện chỉ thị đó và theo quyết định của Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, công tác mở đường Nam tiến được chuẩn bị khẩn trương. Tháng 9-1942, tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Ban xung phong Nam tiến mà hạt nhân là Chi bộ Nam tiến được thành lập. Ban chỉ đạo do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách cùng các đồng chí Lê Thiết Hùng, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Dương Văn Long, có nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức phong trào Nam tiến từ Nguyên Bình - Cao Bằng xuống Bắc Kạn. Đây là nhân tố rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng Đảng và phát triển phong trào Việt Minh ở Bắc Kạn. Chưa đầy một năm sau, bộ phận đầu tiên của đoàn quân Nam tiến đã đến huyện Ngân Sơn với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng trên một phạm vi rộng lớn, tạo thành một con đường đặc biệt giữa hai trung tâm căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai, giữa căn cứ địa Việt Bắc với Trung ương và miền xuôi. Đoàn quân Nam tiến đi đến đâu xây dựng cơ sở Việt Minh và lực lượng bán võ trang của quần chúng đến đấy; phương châm hoạt động là “phát triển theo lối cóc nhảy và củng cố theo vết dầu loang”.

Bộ quân phục và thanh bảo kiếm do Bộ Quốc phòng Tiệp Khắc tặng nhân chuyến  thăm Tiệp Khắc của Đại tướng năm 1966
Bộ quân phục và thanh bảo kiếm do Bộ Quốc phòng Tiệp Khắc tặng nhân chuyến thăm Tiệp Khắc của Đại tướng năm 1966.

Đặc biệt, năm Giáp Ngọ 1954 là năm Ngọ đầy dấu ấn nhất làm nên tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cách đây 60 năm, đúng vào ngày 1-1-1954, khi họp với Bộ Chính trị để chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Tổng Tư lệnh - Chính ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng tất cả niềm tin tất thắng: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Mệnh lệnh của Bác được Đại tướng thực hiện hết sức nghiêm túc, sáng tạo, mang lại hiệu suất chiến đấu cao nhất trong việc chỉ huy chiến dịch. Sự ủy thác của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch được Đại tướng cụ thể hóa thông qua việc hoạch định những phương châm chiến đấu hết sức đúng đắn, táo bạo và cương quyết đó là: chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nguyên tắc chỉ huy cao nhất được ông áp dụng đó là “đánh chắc thắng”, đã góp phần làm giảm một cách đáng kể những hy sinh không cần thiết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Điều đó cũng chính là kết quả thắng lợi trong quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, trong đó có những đóng góp to lớn của Vị tướng huyền thoại - Võ Nguyên Giáp cho chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Có thể nói: “Trận Điện Biên Phủ vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).

Năm Bính Ngọ 1966, quân và dân hai miền Nam-Bắc liên tiếp lập được những chiến công to lớn. Tại Tây Nguyên, Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế … đâu đâu cũng vang lên tiếng súng đánh Mỹ và thắng Mỹ với tinh thần và quyết tâm rất cao. Cũng trong năm Bính Ngọ này, Tạp chí TIME số ra ngày 17-6-1966, sau khi so sánh vị Đại tướng vĩ đại của chúng ta như “Napoleon của Việt Nam” đã trích dẫn câu nói bất hủ của Đại tướng rằng : “Đã đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh”. Đây cũng chính là năm thử lửa để quân và dân ta khẳng định sẽ đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Và quả vậy, 9 năm sau, Đại tướng đã ra mệnh lệnh nổi tiếng trong bức điện mật truyền tới tất cả các đơn vị trên đường Trường Sơn ngày 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng”. Chính nhờ có mệnh lệnh hợp lý, đúng lúc này, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân tộc.

Chiếc áo veston Đại tướng mặc trong lễ thành lập  Đội xung phong Nam Tiến 1942
Chiếc áo veston Đại tướng mặc trong lễ thành lập Đội xung phong Nam Tiến 1942.

Sau Đại thắng mùa xuân 1975 ba năm, đất nước ta bước vào năm Mậu Ngọ 1978, lúc này Đại tướng đã bước sang tuổi 67. Dấu ấn lớn nhất của Đại tướng trong năm Mậu Ngọ này không phải là dấu ấn chiến trận mà lại là dấu ấn trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Năm này, chính Đại tướng là người đặt nền móng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ của Việt Nam. Cuối năm 1978, Chính phủ Liên Xô (cũ) và Chính phủ Việt Nam quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam trên tàu vũ trụ của Liên Xô, với sự tham gia của phi công Việt Nam. Sau đó Chính phủ ta thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Trưởng ban. Trưởng Ban phụ trách chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vào vũ trụ này. Và kết quả là, phi công vũ trụ Phạm Tuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến hành các thí nghiệm của Việt Nam trên tàu vũ trụ. Chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam năm 1980 đã thành công tốt đẹp và là sự khởi đầu tuyệt vời của sự nghiệp nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình ở nước ta. Năm Canh Ngọ 1990, Đại tướng đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”.

Năm Canh Ngọ này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25-5-1990, Đại tướng về thăm Kim Liên. Trong sổ lưu niệm, Đại tướng xúc động ghi: “Đến thăm quê Bác nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, rất xúc động và nhớ Bác vô cùng. Những ngày này, đồng bào và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên cả nước hướng về quê Bác, nguyện một lòng một dạ đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Bác và Đảng đã lựa chọn. Xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong ước...”.

Năm Nhâm Ngọ 2002, Đại tướng đã có chuyến về thăm quê hương Quảng Bình yêu dấu. Vị Đại tướng huyền thoại đã tâm tình với người dân quê hương những lời thân thương, sâu đậm tình quê rằng:“Ra đi trên dòng sông Kiến Giang, làm sao mà quên được cảnh sông, núi hiền từ và hùng vĩ. Quê hương và gia đình đã  hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi”.

Mùa xuân năm Giáp Ngọ 2014 này là mùa xuân đầu tiên vắng bóng vị Đại tướng của lòng dân, vị Đại tướng huyền thoại mà tên tuổi đã gắn bó với dân, với nước 103 năm, trong đó có những năm Ngọ đầy dấu ấn. Bài viết này xin được xem như là nén hương lòng tưởng nhớ về vị Đại tướng lừng danh đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng
​​​​​​​Đắk Lắk là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Vùng đất này là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và các phong trào cách mạng của biết bao thế hệ cha anh đi trước, cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc ta.