Hoàng Sa, Trường Sa trên các tờ châu bản triều Nguyễn
Tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Dak Lak, hiện đang trưng bày, giới thiệu các tờ châu bản của triều Nguyễn. Cụ thể gồm 19 tờ châu bản bằng chữ Hán có niên đại từ triều Gia Long đến triều Thiệu Trị và hai tờ châu bản bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp của Bảo Đại.
Nội dung các tờ châu bản trưng bày trong triển lãm phản ảnh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền, thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa; ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời có chính sách thưởng phạt nghiêm minh đối với những người được triều đình cử đi công vụ tại Hoàng Sa đã lập được công lớn (thưởng) hoặc không hoàn thành nhiệm vụ (phạt).
Những tờ châu bản này là những tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo một cách liên tục, hoà bình, bằng các hoạt động do nhà nước tổ chức, với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.
Châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802-1945). Trên châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ. Những tờ châu bản này được trích từ kho tàng châu bản triều Nguyễn gồm 734 tập với hàng nghìn trang văn bản gốc, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ.
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, châu bản triều Nguyễn là văn bản chính quy, phản ánh trung thực tình hình xã hội đất nước, quan hệ bên trong và quan hệ bang giao với các nước trong khu vực của triều Nguyễn. Do các tài liệu hầu hết đều được sinh ra đồng thời với các sự kiện lịch sử, theo đó phản ánh khách quan, chân thực sự kiện nên đây được coi như là "báu vật quốc gia”.
Đ.T
Ý kiến bạn đọc