Multimedia Đọc Báo in

Năm 2013: Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm gần 327 nghìn tỷ đồng

16:28, 08/01/2014

Sáng 8-1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014 dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.  Tham dự hội nghị tại điểm cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu; lãnh đạo Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trong năm 2013, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 326.552 tỷ đồng, 4.520 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 301.327 tỷ đồng, 428 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 3.095 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người. Các cơ quan Nhà nước đã tiếp 380.331 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (KN, TC) (giảm 2% so với năm 2012) với 4.481 đoàn đông người (giảm 1,2% so với năm 2012). Các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận, xử lý 215.789 đơn thư KN,TC. Đến nay đã giải quyết được 39.013/43.932 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt trên 88,8%. Qua giải quyết KN,TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 95 tỷ đồng, 89 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân hơn 1.083 tỷ đồng, 93 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 675 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 28 vụ việc với 89 người. Về giải quyết các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp kéo dài, tính đến ngày 15-8-2013, qua kiểm tra, rà soát, đã có phương án giải quyết 466/528 vụ việc. Thông qua giải quyết KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các ngành, các cấp và địa phương đã có phương án giải quyết, khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho công dân hơn 1.389,2 tỷ đồng; 34,33 ha đất sản xuất; 0,84 ha đất ở; 24 nền nhà tái định cư…

Toàn cảnh tại điểm cầu Dak Lak
Toàn cảnh tại điểm cầu Dak Lak

Về phương hướng, nhiệm vụ, trong năm 2014 thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt gắn với thanh tra đột xuất. Trong đó, nội dung thanh tra hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: Tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công; xuất, nhập khẩu; quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở... Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC; tập trung giải quyết 62 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài xong trong Quý I-2014; thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời trên 85% số vụ việc mới phát sinh; thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trên 80%. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả Chương trình Hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng…

C
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Dak Lak

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng và những kết quả mà ngành Thanh tra đạt được trong năm 2013, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính, thanh tra và kiểm tra chuyên ngành; công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng, chống tham nhũng; xây dựng bộ máy của ngành, qua đó đóng góp thiết thực vào kết quả phát triển chung của đất nước. Trong năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ngành Thanh tra cần chú ý xây dựng chương trình kế hoạch của ngành một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hành chính Nhà nước, hạn chế những mặt còn tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý hành chính Nhà nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hoạt động thanh tra trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, chức năng chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia... Đồng thời, tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo giải quyết tốt đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân ngay tại cấp cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương. Tập trung giải quyết điểm các vụ khiếu nại tố cáo còn lại trong số 62/528 vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài. Ngành Thanh tra hoàn thiện hoặc kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng theo hướng công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong truyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Nhân dịp này Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vì đã có thành tích trong công tác từ 2008 đến 2012 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.