Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển vùng Tây Nguyên

15:56, 21/02/2014

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 276/QĐ-TTg, ngày 18-2-2014 về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020.

Kế hoạch được triển khai với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Theo Kế hoạch: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7,9%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 46 triệu đồng. Tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 tương ứng là 34,7%, 35% và 30,3%. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1,4%. Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 6,4 triệu người. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm bình quân hàng năm cho 14 - 15 vạn lao động. Đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 3%.

a
Xây dựng một Tây Nguyên phát triển về kinh tế-xã hội

Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2015, vùng Tây Nguyên sẽ tập trung giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, bảo đảm cho đồng bào làm chủ được mảnh đất của mình; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng Tây Nguyên, ưu tiên nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 14; tiếp tục thực hiện tốt công tác bố trí dân cư, định canh định cư cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt vùng nguy cơ cao về thiên tai, vùng biên giới; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, gắn với thế mạnh của vùng theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao; xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng, hình thành hệ thống quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng. Đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, nhân rộng mô hình thủy lợi nhỏ, phân bổ theo mạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi núi, chia cắt ở Tây Nguyên; tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm sản; đầu tư một số nhà máy chế biến cao su, cà phê… của vùng Tây Nguyên đạt tầm khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ theo hướng đa dạng, nhất là dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và hoạt động xuất nhập khẩu; hình thành các khu thương mại tự do giữa Tây Nguyên với các khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên giới của Lào, Campuchia.

a
Bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội

Về văn hóa xã hội, tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, trên cơ sở bảo tồn tinh hoa văn hóa và bản sắc truyền thống; từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa nghệ thuật và hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa cơ sở; thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tiếp tục cải thiện cơ bản về sức khỏe dân cư. Hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phát triển rộng khắp, đồng bộ, chất lượng cao theo hướng xã hội hóa; đạt 100% số cụm xã có phòng khám khu vực, thôn buôn có y tế cộng đồng, trong đó 85% số trạm y tế có bác sĩ.

Về an ninh chính trị, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng, an ninh, làm cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc nhận thức sâu sắc và đề cao cảnh giác trước âm mưu xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch, bọn phản động. Tập trung bảo đảm an ninh nông thôn, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ dân cư, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Theo ĐCSVN


Ý kiến bạn đọc