Multimedia Đọc Báo in

Bình đẳng giới trong Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam

09:07, 11/03/2014
Phụ nữ là một nửa nhân loại, là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Bản Luận cương năm 1930 - cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - đã khẳng định mục tiêu đấu tranh cho nam nữ bình quyền. Cùng năm đó, Hội Phụ nữ cứu quốc (tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập, trở thành một trong những tổ chức xã hội của phụ nữ lâu đời nhất trên thế giới.

Từ khi giành được độc lập (1945), việc bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Ngay trong Sắc lệnh số 14, ngày 18-9-1945 - một trong những văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới đã quy định quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề bầu cử. Hiến pháp năm 1946 khẳng định nguyên tắc bình đẳng nam nữ trên tất cả các lĩnh vực khi quy định : "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện" (Điều 9); "Mọi công dân đều bình đẳng về quyền trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa" (Điều 6) và "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 7)... Những quy định kể trên đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Những quy định đó cũng cho thấy tính chất tiến bộ của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực này, nếu so sánh với pháp luật quốc tế.

Bình đẳng nam nữ (trên tất cả các phương diện) được khẳng định ngay từ Hiến pháp năm 1946, khi nước Việt Nam mới được thành lập. Trong khi đó, tính từ thời điểm Hiến pháp Mỹ được ban hành (1789), phải 133 năm sau (1920) phụ nữ Mỹ mới được ghi nhận có quyền bình đẳng với nam giới về bầu cử và ứng cử. Phụ nữ ở Thụy Sĩ đến năm 1971, phụ nữ ở Cô-oét mãi đến năm 1991 mới được quyền bầu cử. Đó là chưa kể một số quốc gia, cho đến thời điểm hiện nay, pháp luật vẫn chưa ghi nhận phụ nữ có các quyền bình đẳng quan trọng này.

Các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 của nước ta đã kế thừa những nguyên tắc tiến bộ của Hiến pháp năm 1946 và liên tục bổ sung những nội dung mới nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa vị thế, việc hưởng thụ các quyền con người của phụ nữ. Không những vậy, rất nhiều đạo luật quan trọng như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Lao động, Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới… cũng được Nhà nước ban hành và sửa đổi, bổ sung qua các thời kỳ, nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc về bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp.

Đặc biệt bình đẳng giới trong Hiến pháp (sửa đổi) 2013 cơ bản tiếp tục kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp mới quy định các vấn đề chung, có tính nguyên tắc liên quan đến gia đình tại Điều 16 (mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội) và Điều 26 (công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội). Các quy định trực tiếp về hôn nhân, gia đình được Hiến định tại Điều 36: nam nữ có quyền kết hôn, ly hôn; hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Điều 60 quy định: Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc... Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến gia đình, bình đẳng giới cũng đã được Hiến định trong một số điều, khoản của các Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Chương III Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Có thể thấy, Hiến pháp mới đã quy định sự bình đẳng nam - nữ một cách toàn diện hơn, tổng quát hơn và tiến bộ hơn. Quy định nam - nữ bình đẳng về mọi mặt trong tất cả các lĩnh vực. Đây không chỉ là bình đẳng về quyền lợi mà còn là bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực. So với Hiến pháp năm 1992, nội dung không phân biệt đối xử chuyển từ không phân biệt đối xử với phụ nữ đã mở rộng sang không phân biệt đối xử về giới. Các quy định này đã bảo đảm được các nguyên tắc của Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc