Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải nêu gương
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị O3-CT/T.Ư ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101-QĐ/T.Ư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp (dưới đây gọi tắt là Quy định 101) đã xác định 7 nội dung nêu gương theo hướng “cán bộ có chức vụ càng cao càng phải nêu gương”.
Quy định 101 nêu rõ, về chính trị tư tưởng: “…Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”; về đạo đức, tác phong, lối sống: “…Đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…”; về trách nhiệm trong công tác: “…chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm…”.
Nêu gương là một phương pháp giáo dục con người bằng sự ảnh hưởng của tấm gương đã được lựa chọn và xây dựng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trước quần chúng, và không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng đạo đức. Nhấn mạnh đến vai trò và sức mạnh của sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong giáo dục là phương pháp phù hợp với tâm lý quảng đại người Việt Nam, Người dạy: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn và tuyên truyền” (3). Tấm gương là linh hồn của phương pháp nêu gương. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cấp phải chính bằng sự rèn luyện, phấn đấu lâu dài, bằng chính uy tín và nhân cách ngày càng cao.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp nhất và thuyết phục nhất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Người là tấm gương tiêu biểu nhất về sự vận dụng phương pháp nêu gương một cách sáng tạo và độc đáo trong thực tiễn rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục đề cao phương pháp nêu gương bằng hành động cụ thể nói đi đôi với làm. Quy định 101 đã chỉ rõ: “Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu… Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo”. Kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, thậm chí thụ động ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm…, làm cho phương pháp nêu gương mất ý nghĩa, tác dụng giáo dục... Phương pháp nêu gương đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình. Cán bộ lãnh đạo không gương mẫu tự phê bình và phê bình thì làm sao hướng dẫn cấp dưới làm tốt và phát huy cao nhất tác dụng của giải pháp hết sức quan trọng này. Cán bộ lãnh đạo nêu gương sáng về tự phê bình và phê bình nghiêm túc sẽ là dấu hiệu tích cực mở đầu cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Quần chúng nhân dân luôn luôn chú ý đến lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên. Nhân dân bao giờ cũng quan tâm vào sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức vụ cao trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật và sống như thế nào, nói và làm ra sao để tin tưởng và noi theo.
Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con; trong nhà trường, các thầy cô là tấm gương cho học sinh; trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới; trong bộ máy nhà nước, cán bộ, đảng viên là tấm gương cho nhân dân.
Thực hiện nghiêm túc những nội dung nêu gương trong Quy định 101 là thể hiện ý thức chính trị đúng đắn, từ đó, tỏ rõ quyết tâm rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của người đảng viên chân chính hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tạo dựng được một hình ảnh nêu gương của người cán bộ lãnh đạo đối với nhân viên, của cấp trên đối với cấp dưới để các đối tượng này học tập và làm theo.
Nguyễn Xuyến
(1)(2) Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI); “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 1 - tr 263.
Ý kiến bạn đọc