Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ - động lực để phát triển

14:29, 12/04/2014
"Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) sẽ góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh hiệu quả cải cách hành chính…, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.” – Đó là khẳng định của đồng chí Cao Đức Khiêm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC tỉnh tại cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động của năm 2013 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2014 vừa diễn ra trong tháng 3 vừa qua.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm

Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp và có chất lượng, BCĐ cấp tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định củng cố kiện toàn BCĐ gồm 19 thành viên, trong đó có đến 11 đồng chí là Tỉnh ủy viên do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ngoài ra, BCĐ cũng đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành công văn chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tăng cường chỉ đạo, củng cố BCĐ thực hiện QCDC các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị. Nhờ quyết liệt chỉ đạo nên việc thực hiện QCDC cơ sở thời gian qua đã tiếp tục phát huy được hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ thì những kết quả đó cũng chỉ mới là bước đầu. Bởi qua kiểm tra cho thấy, còn có nhiều địa phương, một số cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, việc thực hiện QCDC chưa gắn với việc cải cách thủ tục hành chính; nhiều nơi còn mang tính hình thức. Đáng chú ý là nhiều công ty, nơi chưa có tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn và phần vốn Nhà nước không chi phối thì việc triển khai và thực hiện dân chủ theo tinh thần Nghị định 87/NĐ-CP còn rất nhiều hạn chế.

Đồng chí Mai Lan Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Thư ký BCĐ nêu rõ: Tình hình vi phạm pháp luật lao động ở các loại hình doanh nhiệp này còn diễn ra khá phổ biến. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động chưa được bảo đảm đầy đủ. Người sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện QCDC trong doanh nghiệp. Hầu hết các hoạt động của Ban Giám đốc công ty, người lao động không được biết, không được tham gia ý kiến những vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động. Theo thống kê cho thấy, chỉ có 50,8% các doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động hằng năm. Điển hình là tại địa bàn huyện Ea H’leo, qua kiểm tra 16 doanh nghiệp cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước đều không ký hợp đồng lao động với công nhân, chậm trả lương cho công nhân, thậm chí có doanh nghiệp đều không đóng bảo hiểm cho công nhân.

“Không riêng gì khối doanh nghiệp, nhiều sở, ngành cấp tỉnh nhưng cũng chưa quan tâm đến việc thực hiện QCDC. Qua kiểm tra cho thấy có nhiều đơn vị không hề tổ chức hội nghị công nhân viên chức hằng năm mà chỉ tổ chức tổng kết cơ quan. Điều này cho thấy nhận thức của người đứng đầu một số cơ quan đơn vị về thực hiện QCDC vẫn chưa tốt, chưa tới nơi tới chốn” – đồng chí Đỗ Thanh Xuân, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó BCĐ khẳng định tại cuộc họp nói trên.

Chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp với dân – một trong những hình thức phát huy QCDC cơ sở.  Trong ảnh: UBND tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân huyện M’Drak.
Chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp với dân – một trong những hình thức phát huy QCDC cơ sở. Trong ảnh: UBND tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân huyện M’Drak.

“Không minh bạch tài chính là mất dân chủ!

Đồng ý với ý kiến của đồng chí Đỗ Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Võ Thị Hạnh, thành viên BCĐ cho rằng: Nhiều đơn vị hằng năm chỉ tổ chức tổng kết đơn vị rồi “gộp” luôn hội nghị công nhân viên chức, lao động. Như vậy rõ ràng là chất lượng đối thoại giữa công nhân viên với lãnh đạo sẽ không cao. Đối với khối doanh nghiệp, đồng chí Võ Thị Hạnh kiến nghị cần tăng cường thành lập, củng cố các tổ chức Đảng và Công đoàn. Bởi đây chính là “hạt nhân” vô cùng quan trọng trong việc chỉ đạo và tham mưu, giám sát việc thực hiện QCDC cơ sở.

Sở dĩ việc thực hiện QCDC vẫn còn nhiều khiếm khuyết, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm là do trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao và vai trò của Ban Cán sự  Đảng UBND tỉnh chưa thực sự thường xuyên, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Chính việc duy trì thực hiện QCDC chưa thường xuyên, liên tục nên chưa làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong hệ thống chính trị các cấp, trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Theo đồng chí Cao Đức Khiêm, tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn thực hiện các công trình, dự án đầu tư liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa khi bị thu hồi đất… là do chưa thực hiện đúng quy trình công khai, chưa bàn bạc dân chủ. “Nhận thức về QCDC ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa sâu nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến những vấn đề tồn tại kéo dài chưa giải quyết được. Lợi ích chính đáng của người dân chưa được quan tâm khi nhiều công trình, dự án không được nhân dân đồng tình, chất lượng kém, gây lãng phí… Điều này cũng đã dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp lợi ích giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Ở đâu không minh bạch về tài chinh thì ở đó mất dân chủ!” – đồng chí Cao Đức Khiêm khẳng định.

Vẫn theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: “Chính vì không thực hiện tốt QCDC cơ sở nên đã làm phức tạp hơn tình hình xã hội, làm rạn nứt lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền”. Để khắc phục tình trạng trên, đồng chí Cao Đức Khiêm yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng về việc thực hiện QCDC, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 25-NQ/T.Ư năm 2013 của Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quian, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp… đối với việc thực hiện QCDC. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tập trung vào những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có vấn đề phức tạp, nảy sinh khiếu nại tố cáo…

“Việc thực hiện tốt QCDC sẽ góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh hiệu quả cải cách hành chính…, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.” – Đồng chí Cao Đức Khiêm nhấn mạnh.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc