Multimedia Đọc Báo in

Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam:

Nhà sử học dành hơn 50 năm nghiên cứu, chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam

16:18, 29/07/2014

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã sinh ngày 14-3-1939 tại Yên Mô (Ninh Bình) hiện đang sống tại nhà riêng ở đường Trần Kế Xương (TP. Hồ Chí Minh) là người đã dành hơn 50 năm cho công trình nghiên cứu và chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 20-1-1975, với cương vị là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài Gòn, ông xuất bản Tập san Sử Địa số 29, số chuyên đề đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, tập hợp các bài viết của những giáo sư từ Hoàng Xuân Hãn đến các nhà nghiên cứu đầu ngành về lịch sử lúc bấy giờ. Ông còn tổ chức triển lãm tại Thư viện quốc gia, trưng bày tài liệu và hình ảnh chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà văn Sơn Nam đã viết trong Sổ lưu niệm: “Cuộc triển lãm mang tầm vóc quốc tế, đề nghị mở cửa kéo dài thêm (thay vì ba ngày)”. Tác giả cuộc triển lãm đặc biệt đó đã tâm sự: “Một phần  phên dậu của Tổ quốc không còn, nỗi đau đó nung nấu trong tôi một quyết tâm phải làm điều gì đó chứng minh cho thế giới biết Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam”.

Một buổi giao lưu của cán bộ chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường
Một buổi giao lưu của cán bộ chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Ông đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm những tư liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa; lặn lội khắp các vùng đất Quảng Ngãi, Quảng Nam và ra tận đảo Lý Sơn - quê hương của những đội dân binh Hoàng Sa thời Nguyễn đã xả thân vì chủ quyền đất nước trên biển Đông, mà tên tuổi của họ đã được đặt cho các đảo ở Hoàng Sa để nghiên cứu, tìm hiểu… Năm 2003, ở tuổi 64, sau 30 năm theo đuổi công trình nghiên cứu và chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một sự thật lịch sử không thể tranh cãi, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Với luận án này, ông đã khẳng định, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác định từ rất lâu trước khi Trung Quốc lên tiếng “xí phần” vào năm 1909 khi cho đó là đất vô chủ. Trong luận án nêu rõ: “Từ cuối thế kỷ 17, Việt Nam đã có những bản đồ có vẽ và ghi chú về “Bãi Cát Vàng” tức Hoàng Sa trong Toàn tập “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ” của Đỗ Bá. Giữa thế kỷ 18, “Phủ Biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn miêu tả chi tiết hoạt động của các đội Hoàng Sa… Đến thời nhà Nguyễn thì có cả một hệ thống biên niên sử, địa dư chí của Quốc sử quán, đặc biệt cả Châu bản (tức văn bản của triều đình) với các dụ, bản tấu, phúc tấu với lời châu phê của vua, ghi chép cụ thể các hoạt động của các đội thủy binh triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa… Ngược lại, Trung Quốc không có tài liệu nào của chính quyền Trung Quốc chứng minh được nhà nước đã chiếm hữu trước khi Việt Nam xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa. …Tất cả bản đồ Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc…”. Ông Nguyễn Nhã không những dùng chính tài liệu Trung Quốc mà còn sử dụng các tài liệu, bản đồ của phương Tây để chứng minh rằng người phương Tây và chính người Trung Quốc đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là “phên dậu của Việt Nam trên biển Đông”. Ông đã thẳng thắn bác bỏ các luận điểm của Trung Quốc biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ông còn cho rằng quyết định của ta giải phóng ngay quần đảo Trường Sa tháng 4-1975 trước khi giải phóng Sài Gòn là hết sức sáng suốt. Nếu để chậm thì nước ngoài nhân lúc quân đội Sài Gòn hoang mang tan rã, sẽ xâm chiếm các đảo Trường Sa, ta càng gặp khó khăn về sau.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam phải luôn nhắc nhở cho cả thế giới biết rằng việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo Trường Sa năm 1988 là hoàn toàn trái phép, trái với Hiến chương Liên hiệp quốc.

Ông đã thành lập tủ sách nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa ngay tại nhà riêng của mình nhằm cung cấp tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu vấn đề này và sẵn sàng hỗ trợ các sinh viên, các nhà nghiên cứu muốn làm luận văn, luận án về đề tài Hoàng Sa - Trường Sa. Có thể kể đến như trường hợp sinh viên Vương Quốc Khánh, với sự hỗ trợ tài liệu từ tủ sách của ông đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ sử học đầu tiên về tranh chấp Trường Sa tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Ông thường tâm sự: “Mong ước của tôi là làm sao phổ biến một cách rộng rãi những nghiên cứu của mình về Hoàng Sa - Trường Sa đến mọi người, nhất là lớp trẻ, để mọi người ý thức hơn nữa về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà bao thế hệ cha ông ta đã đổ máu xương gìn giữ”.

Ông vừa có chuyến đi Mỹ giới thiệu công trình Hồ sơ tư liệu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (hơn 500 trang) với mong muốn khẳng định trước dư luận thế giới chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này, trong bối cảnh hết sức phức tạp trên biển Đông hiện nay. Ông luôn nêu cao quyết tâm chính trị: “Đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam cũng như bảo toàn quần đảo Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thành công, cũng như Việt Nam từng bị phong kiến phương Bắc đô hộ hơn một nghìn năm, khi có thời cơ sẽ giành lại độc lập tự chủ…”.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc