Multimedia Đọc Báo in

Mặt trận Tổ quốc với các phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm

15:34, 11/07/2014

Thực hiện các chương trình, đề án về phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội (TNXH), trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư..., góp phần giảm thiểu về TNXH, ổn định an ninh trật tự tại địa phương...

Nâng cao chất lượng tuyên truyền

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các đề án, các chương trình phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã biên soạn, in ấn và phát hành hàng nghìn quyển tài liệu, tổ chức ký hàng chục nghìn bản cam kết cho thôn, buôn, tổ dân phố và hộ gia đình. Với vai trò làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện Đề án 02/212/TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động, tổ chức thành lập được 2.273 Nhóm nòng cốt với 14.755 thành viên tham gia. Trong thời gian qua, các nhóm nòng cốt này đã tổ chức được 2.387 buổi tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư, thu hút 140.239 lượt người tham dự.

MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để tuyên truyền, giáo dục, vận động trong các tầng lớp nhân dân, qua đó nhằm làm giảm thiểu các tệ nạn, các loại tội phạm trên địa bàn, xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng địa bàn không có ma túy, không có tội phạm...

Các già làng, trưởng buôn chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tháng 1-2014.
Các già làng, trưởng buôn chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tháng 1-2014.

Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã làm tốt công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ và quản lý người phạm tội, người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, nắm địa bàn, đối tượng phạm tội, lầm lỗi, nghiện hút trong từng địa bàn khu dân cư để vận động, phân công cho các tổ chức đoàn thể, gia đình nhận giúp đỡ, bảo lãnh, quản lý, cảm hóa, giúp người lầm lỗi cải tạo, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng dân cư. Trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan liên quan hướng dẫn khu dân cư giúp đỡ, hỗ trợ về vốn làm ăn, tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho một số đối tượng sớm hòa nhập cộng đồng…

Nhân rộng những mô hình điểm   

Cùng với công tác tuyên truyền vận động, MTTQ các cấp trong tỉnh còn chủ động phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa, tố giác tội phạm... ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Một trong những mô hình điểm tiêu biểu về công tác phòng, chống tội phạm” là xã Cư Króa, huyện M’Drak. Tại đây, thông qua việc xây dựng mô hình điểm đã bố trí và phát huy hiệu quả của 9 hòm thư tố giác tội phạm đặt tại 9 khu dân cư. Người dân đã cung cấp nhiều tin quan trọng giúp lực lượng công an xử lý, điều tra kịp thời nhiều vụ việc. Mô hình này cũng đã hòa giải thành 8/10 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra điểm nóng; quản lý, giáo dục và giúp đỡ 12 đối tượng lầm lỗi trở lại làm ăn lương thiện (trong đó cải tạo 2, án treo 3, quản lý hành chính 7 đối tượng). Kết quả là tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn xã đã giảm cơ bản, có 7/9 thôn thời gian dài không có người phạm tội.

Tương tự, trên địa bàn thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) những năm trước đây tình hình trật tự an toàn xã hội có diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội ma túy xảy ra thường xuyên... Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên và lực lượng công an địa phương đã xây dựng tại đây mô hình thị trấn điểm “Phòng, chống tội phạm, ma túy” và đã được người dân đồng lòng hưởng ứng. Theo đó, các đơn vị liên quan đã phân công trách nhiệm từng thành viên xây dựng kế hoạch vận động, tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục; vận động các tổ chức thành viên và gia đình tham gia ký cam kết không để con em của mình vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, vận động, tuyên truyền nên trong thời gian qua, tại địa phương đã giảm dần các hành vi phạm tội và TNXH. Đến nay, thị trấn Quảng Phú được đánh giá là một trong những địa bàn lành mạnh, bảo đảm được tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 117 mô hình điểm về phòng, chống tội phạm, ma túy, TNXH..., trong đó có 26 mô hình cấp tỉnh và 91 mô hình cấp huyện, xã; trên 21.000 hộ gia đình đã ký cam kết thực hiện tốt phong trào phòng chống tội phạm, TNXH ở gia đình và cộng đồng dân cư. Ngoài ra, theo thống kê cho thấy có đến 130/184 số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn lành mạnh; 110 số xã, phường lành mạnh không có ma túy và có 1.505 khu dân cư lành mạnh không có người nghiện ma túy; 1.440 khu dân cư an toàn không có tội phạm đặc biệt nghiêm trọng... Rõ ràng, nhờ chủ động làm tốt công tác tuyên truyền cũng như xây dựng những mô hình điểm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, TNXH, tổ chức Mặt trận các cấp trong tỉnh đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại gia đình cũng như trong cộng đồng, góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.                        

Hoàng Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.