Huyện Cư Kuin nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống của nhân dân
Tuy mới được thành lập chưa lâu, nhưng thời gian qua, bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành và cách làm phù hợp, huyện Cư Kuin không những giữ vững được khối đại đoàn kết dân tộc mà còn từng bước nâng cao đời sống của người dân trong huyện nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng.
Đội chiêng nữ buôn H’Luk, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) trong một buổi tập luyện. Ảnh: K.O |
Được tách ra từ huyện Krông Ana vào năm 2007, huyện Cư Kuin hiện có 22.410 hộ với 103.176 khẩu, trong đó có 5.725 hộ là đồng bào DTTS với 30.817 khẩu, chiếm 29,68% dân số toàn huyện. Tuy có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, nhưng trước đây cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách, dự án đầu tư hiệu quả thông qua các chương trình như: 132, 134, 135, 168… cùng với việc vận động các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn giao đất về địa phương, với diện tích gần 300 ha để cấp cho 990 hộ đồng bào DTTS nghèo có đất sản xuất. Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng 5 giếng nước sạch tập trung phục vụ dân sinh tại các buôn Kram, buôn Êbung (xã Ea Tiêu), buôn Cư Knao, buôn Kpung (xã Hòa Hiệp) và buôn Kõ Êmông (xã Ea Bhôk). Bên cạnh đó, thông qua việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS... qua đó đã hỗ trợ 54 nghìn cây giống các loại, 11 tấn giống ngô lai, 32 tấn giống lúa lai, hơn 14 nghìn con gia cầm… cho 1.825 hộ DTTS nghèo để họ có điều kiện trong phát triển sản xuất. Đối với những hộ thiếu đất sản xuất, huyện chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để dạy nghề cho thanh niên, đồng thời tìm việc làm cho họ tại các địa phương trong nước cũng như xuất khẩu lao động.
Bà con xã Ea Tiêu trao đổi về đời sống, sản xuất với lãnh đạo huyện. Ảnh: G.N |
Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác vận động, nhận thức của người dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã có chuyển biến rõ rệt. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này trên địa bàn đã lên đến 106 tỷ đồng, trong đó nhân dân đã đóng góp 4,25 tỷ đồng chủ yếu phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông nông thôn. Điển hình như tại thôn 8 xã Ea Tiêu đã thi công 2,6 km đường nội thôn với kinh phí 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ 770 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Nhờ vận dụng hiệu quả các nhóm chính sách phù hợp với đặc điểm địa phương và sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển kinh tế của Nhà nước, đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin H’Bliăk Niê, đối với đồng bào DTTS, bên cạnh nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, việc bảo đảm đời sống tinh thần cho họ cũng hết sức quan trọng. Do vậy, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ bà con tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ cầu mưa, Diễn tấu cồng chiêng, Cúng bến nước… bảo đảm đúng phong tục tập quán của đồng bào. Một số nghệ nhân mặc dù tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tình tham gia góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền lửa đam mê cho thế hệ mai sau. Hiện toàn huyện còn hơn 135 bộ cồng, chiêng được đồng bào gìn giữ; có 25 đội nghệ nhân già, trẻ thường xuyên tham gia đánh chiêng phục vụ các lễ hội, 157 nhà dài truyền thống. Bên cạnh bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, trên địa bàn huyện cũng thường xuyên diễn ra những lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc phía Bắc như: Lễ hội dân gian Việt bắc, Hội tung còn tại xã Cư Êwi…, qua đó giúp bà con có cơ hội giao lưu văn hóa, nâng cao tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Lớp dạy đánh chiêng cho các cháu thiếu nhi tại xã Ea Ktur. Ảnh: Hoàng Gia |
Công tác chăm sóc sức khỏe người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng luôn được địa phương chú trọng, hằng năm cấp hơn 68 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS, nhờ đó việc chăm sóc sức khỏe cho bà con ngày càng được tăng cường. Về công tác tổ chức cán bộ, huyện cũng chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là đồng bào DTTS. Đến nay có 13,9% cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, 15,9% cán bộ ở các xã và 10,7% cán bộ công nhân viên ngành giáo dục. Nhìn chung, hiệu quả làm việc, chất lượng đội ngũ cán bộ đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, một số đồng chí đang giữ những chức vụ chủ chốt ở các phòng, ban. Các già làng - người có uy tín trong cộng đồng người DTTS luôn tích cực đóng góp ý kiến giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà H’Bliăk Niê cho rằng, những thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân trong huyện, nhất là đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, bình quân giảm nghèo hàng năm trong vùng đồng bào DTTS cao hơn bình quân chung của toàn huyện (giảm 3%/năm).
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc