Về công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982
B. Nội dung cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước 1982:
Nội dung cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước 1982 được quy định chủ yếu trong phần XV của Công ước dưới tiêu đề “Giải quyết tranh chấp”. Ngoài ra, còn có một số quy định về việc giải quyết tranh chấp nằm tại các phần khác nhau của Công ước.
Nội dung và các nguyên tắc cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước 1982 bao gồm:
- Các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước 1982
Điều 279 của Công ước Luật Biển 1982 quy định:
“Các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa họ liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc và, vì mục đích này, cần tìm ra giải pháp bằng các biện pháp đã được nêu ra tại Điều 33 của Hiến chương.”
- Thủ tục bắt buộc đưa đến các quyết định mang tính ràng buộc:
Đây là đặc trưng cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước 1982 và được coi như là một bước phát triển mới của pháp luật quốc tế nói chung và trong lĩnh vực Luật biển quốc tế nói riêng do hầu hết các điều ước quốc tế liên quan đến Luật biển đều không quy định nghĩa vụ bắt buộc giải quyết tranh chấp bằng bên thứ 3.
Các thủ tục bắt buộc dẫn đến các quyết định bắt buộc được quy định trong Mục 2 của phần XV, từ Điều 286 đến Điều 296 của Công ước 1982. Theo quy định tại Mục này, bất cứ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982, khi không được giải quyết bằng đàm phán hay các cơ chế khác như được trù liệu trong Mục 1 của phần XV, theo yêu cầu của bất cứ bên tranh chấp nào, sẽ được đệ trình ra trước trọng tài hoặc tòa án có thẩm quyền theo quy định tại phần này (Điều 286).
Theo quy định tại phần này thì việc giải quyết bắt buộc tranh chấp được tiến hành thông qua các thiết chế xét xử sau:
i) Tòa án Công lý Quốc tế;
ii) Tòa án quốc tế về Luật biển;
iii) Tòa Trọng tài;
iv) Tòa Trọng tài đặc biệt.
Trong trường hợp các quốc gia thành viên không tiến hành lựa chọn hoặc không cùng lựa chọn thủ tục thì họ có nghĩa vụ đưa tranh chấp của mình ra xét xử theo thủ tục Trọng tài (Điều 287, Công ước Luật biển 1982).
Bất cứ thời điểm nào (ký, phê chuẩn hoặc tham gia Công ước Luật biển 1982 hoặc bất cứ thời nào sau đó), các quốc gia có thể ra tuyên bố chấp nhận trước quyền tài phán của một hoặc nhiều thể chế xét xử nêu trên trong việc giải quyết các tranh chấp của mình liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Các quốc gia cũng có quyền hủy, thay đổi tuyên bố về việc lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp của mình theo những điều kiện được quy định tại khoản 1, 2, 6, 7 và 8 Điều 287 của Công ước. Tuyên bố này được gửi tới Tổng thư ký (TTK) LHQ để lưu chiểu và TTK LHQ sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên khác về vấn đề này cũng như Tuyên bố này sẽ được đăng tải tại website chính thức của Vụ các vấn đề Biển và Đại dương của LHQ.
- Giới hạn và ngoại lệ đối với việc áp dụng thủ tục bắt buộc đưa đến các quyết định mang tính ràng buộc
Bản chất của những quy định này là hạn chế quốc gia thành viên sử dụng và áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc trong Công ước 1982 trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Nếu như các quy định tại Mục 2 của phần XV của Công ước 1982 cho phép quốc gia thành viên đơn phương đưa tranh chấp ra giải quyết tại một trong bốn thiết chế giải quyết tranh chấp được nêu ở trên thì Mục 3 được xây dựng trên cơ sở là một số loại tranh chấp nhất định sẽ không phải là đối tượng điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nói cách khác, trong một số điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng Công ước của các thiết chế xét xử được nêu tại Điều 287 của Công ước 1982 bị “triệt tiêu”. Việc loại bỏ một số loại tranh chấp nhất định ra khỏi thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc là điều kiện tiên quyết để các quốc gia thành viên tham gia Hội nghị Luật biển lần thứ III chấp nhận các quy định về giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển 1982.
Theo quy định tại mục 3 phần XV của Công ước Luật biển 1982, có 2 hình thức “miễn trừ” việc áp dụng quyền tài phán bắt buộc, đó là miễn trừ đương nhiên và ngoại lệ. Miễn trừ đương nhiên được quy định tại Điều 297 và miễn trừ mang tính ngoại lệ được điều chỉnh bằng Điều 298 của Công ước Luật biển 1982.
Theo Điều 297, một số loại tranh chấp nhất định đương nhiên được loại bỏ khỏi thủ tục bắt buộc, chúng bao gồm: tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước trong việc nghiên cứu khoa học biển theo các Điều 246 và 253; tranh chấp liên quan đến quyền quản lý của quốc gia ven biển đối với tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế theo Điều 61-72 của Công ước… Điều này có nghĩa rằng, liên quan đến các tranh chấp này, các quốc gia thành viên không bị ràng buộc bởi thủ tục mang tính chất bắt buộc.
Mặt khác, theo Điều 298, nếu một quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 tuyên bố vào bất cứ thời điểm nào rằng họ không chấp thuận một trong các thủ tục giải quyết tranh chấp mang tính chất bắt buộc liên quan đến một số loại tranh chấp nhất định, các bên tranh chấp khác không thể sử dụng thủ tục mang tính chất bắt buộc để chống lại quốc gia thành viên này khi có phát sinh các tranh chấp này. Những loại tranh chấp mà các quốc gia có thể tuyên bố không thuộc đối tượng điều chỉnh của việc giải quyết tranh chấp bắt buộc bao gồm:
Các tranh chấp liên quan đến việc phân định các vùng biển theo Điều 15, 74 và 83 của Công ước Luật Biển 1982 hoặc các vụ tranh chấp về vịnh hay danh nghĩa lịch sử.
Các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay của nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ không có tính chất thương mại.
• Tranh chấp liên quan đến các hành động bảo đảm thi hành luật pháp trong việc thực thi các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về quản lý tài nguyên sinh vật và nghiên cứu khoa học và khoản 2 và 3 của Điều 297 đã loại trừ khỏi thẩm quyền của một Tòa án.
• Các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết theo thẩm quyền của mình được ghi nhận trong Hiến chương LHQ.
Tuyên bố về việc không chấp nhận một hoặc nhiều thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc có thể được các quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 đưa ra vào bất cứ thời điểm nào song phải dưới hình thức văn bản và được gửi tới TTK LHQ. Các quốc gia cũng có quyền đưa ra một Tuyên bố mới hoặc rút lại tuyên bố về vấn đề này theo các thủ tục quy định tại Điều 298 của Công ước Luật Biển 1982. Cũng như Tuyên bố lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc, Tuyên bố không chấp nhận thủ tục cũng được đăng tải tại Website chính thức của Vụ các vấn đề Biển và Đại dương của Liên hiệp quốc.
Ý kiến bạn đọc