Multimedia Đọc Báo in

Về công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982

09:49, 22/09/2014

6. Vùng đặc quyền kinh tế

Theo quy định của Công ước 1982, vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển là vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có:

a. Các quyền chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió;

b. Quyền tài phán theo đúng những quy định của Công ước về việc:

- Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình

- Nghiên cứu khoa học biển;

- Bảo vệ và giữ gìn môi trường biển:

c. Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

Trong khi thực hiện các quyền nói trên, quốc gia ven biển có nghĩa vụ phải chú ý thích đáng đến quyền của các nước khác đã được luật pháp quốc tế thừa nhận (Điều 56).

Trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong những điều kiện do các quy định thích hợp của Công ước, đều được hưởng 3 quyền tự do cơ bản:

- Quyền tự do hàng hải;

- Quyền tự do hàng không;

- Quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.

7. Thềm lục địa

Công ước 1982 quy định thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn (Điều 76).

Theo quy định của Công ước 1982, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình và quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là đặc quyền, có nghĩa là quốc gia ven biển không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào việc chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào (Điều 77). Điểm này hoàn toàn khác với quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế ở chỗ đối với vùng đặc quyền kinh tế ngoài việc quốc gia ven biển phải tuyên bố về yêu sách của mình, trong trường hợp không khai thác hết nguồn tài nguyên sinh vật với mức độ có thể chấp nhận được, quốc gia ven biển có thể cho các quốc gia khác như quốc gia không có biển, quốc gia bất lợi về mặt địa lý tiến hành khai thác phần tài nguyên sinh vật dư thừa trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Cũng như đối với vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác cũng được hưởng quyền các quyền tự do như tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa của quốc gia ven biển.

8. Thềm lục địa mở rộng

Trong trường hợp bờ ngoài của rìa thềm lục địa của quốc gia ven biển mở rộng quá khoảng cách 200 hải lý thì quốc gia ven biển có quyền yêu sách vùng thềm lục địa kéo dài thông qua việc đệ trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa Báo cáo quốc gia chứng minh phần thềm lục địa này là phần kéo dài tự nhiên của lục địa. Báo cáo cần tuân thủ các hướng dẫn về kỹ thuật, pháp lý của Ủy ban ranh giới thềm lục địa.

Trong trường hợp chứng minh được có sự trả dài tự nhiên của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có quyền yêu sách thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý. Tuy nhiên, khu vực thềm lục địa mở rộng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không được vượt quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2500m.

Theo Quy định của Công ước và quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật biển lần thứ 11 (năm 2001), ngày 13-5-2009 là hạn để các quốc gia đệ trình Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Tính đến nay, đã có 51 báo cáo được nộp cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Việt Nam đã nộp 02 báo cáo (trong đó có Báo cáo chung với Ma-lai-xi-a về khu vực thềm lục địa phía Nam Biển Đông) và đã trình bày 02 báo cáo này tại Khóa họp 24 của Ủy ban ranh giới thềm lục địa (ngày 27-8-2009).

9. Biển cả

Biển cả là vùng biển nằm ngoài các vùng biển thuộc phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, có biển hoặc không có biển. Ở biển cả, các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, hàng không, đặt dây cáp và ống ngầm, đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, các quốc gia khi hoạt động ở biển cả cần tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như cần tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước (như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển…)

10. Quy chế đảo

Đảo làm một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc xung quanh và phải luôn nổi trên mặt nước. Các đảo được quyền có các vùng biển như đối với đất liền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 121 của Công ước 1982, "đá" không thích hợp cho con người sinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì không được quyền có vùng ĐQKT và thềm lục địa.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc