Multimedia Đọc Báo in

Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị tại Dak Lak

09:11, 11/10/2014

Chiều 10-10, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên Giáo Trung ương do Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng Hà Phước Thiều làm Trưởng đoàn đã có buổi làm với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành hữu quan của tỉnh để nắm bắt tình hình triển khai Nghị quyết số 21, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh), Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 21, ngày 18-1-2013 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình của Tỉnh ủy trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, phần lớn các tổ chức cơ sở đảng, Đảng đoàn MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh đã cụ thể hóa Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về BHXH, BHYT trong tình hình mới. Nhờ vậy, số người tham gia BHXH, BHYT tăng dần qua từng năm, quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng và bảo đảm, chất lượng và phạm vi các dịch vụ từng bước được cải thiện. Cụ thể, năm 2012, số người tham gia BHXH của tỉnh đạt 10,33% so với lực lượng lao động của tỉnh và số người tham gia BHYT đạt 68% so với tổng dân số của tỉnh. Đến năm 2014, số người tham gia BHXH và BHYT tính trong 6 tháng đầu năm tương ứng là 10,19% và 70%. Đặc biệt, từ năm 2012 đến 2014, Quỹ BHYT trong toàn tỉnh đã cân đối và có kết dư…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Đình Quế phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Đình Quế phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát cũng đã nghe đại diện lãnh đạo các sở, ngành làm rõ thêm những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Đó là, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm; tình hình nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều với số lượng lớn và thời gian nợ kéo dài; tình trạng lạm dụng các chế độ BHXH, lạm dụng thuốc, vật tư y tế, lạm dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT vẫn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 số người tham gia BHXH đạt 50% so với lực lượng lao động của tỉnh cũng khó thực hiện do đặc thù của địa phương là tỉnh miền núi, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp… Từ những khó khăn này, các sở, ban, ngành của tỉnh đã đề nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi mức chi trả của người được hưởng BHYT để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Luật BHYT, nhất là đối với người nghèo, người bị bệnh mãn tính; tăng cường nguồn kinh phí cho các tỉnh khó khăn để đầu tư cơ sở vật chất cũng như nguồn lực cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT.

Phó
Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng Hà Phước Thiều phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng Hà Phước Thiều ghi nhận những kết quả bước đầu Dak Lak đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Song, đồng chí cũng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra, hiện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến công tác BHXH, BHYT và còn xem đó là việc của riêng ngành BHXH; đồng thời nhận thức về vấn đề này của một số đơn vị, nhất là doanh nghiệp chưa cao nên chưa tích cực trong việc tham gia BHXH, BHYT. Vì vậy, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo và các ngành hữu quan tham mưu cho Tỉnh ủy đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ về việc tham gia BHXH, BHYT. Ngoài ra, tỉnh phải có lộ trình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 80% dân số tham gia BHYT mà Nghị quyết của Trung ương đề ra…

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.