Multimedia Đọc Báo in

Những bài học về văn hóa từ bài báo "Sao cho được lòng dân?" của Hồ Chủ tịch

17:50, 15/10/2014
Ngày 12-10-1945, chỉ sau 40 ngày chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Thắng đã viết bài báo nhan đề: “Sao cho được lòng dân?” đăng trên báo Cứu quốc (*).

Mở đầu bài báo, Bác đưa ra hai nhận xét: Một là, “xung quanh các ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen”. Hai là: “Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ Trung ương nhiều hơn các ủy ban địa phương”. Bác phê bình: “Những ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa”.

Tiếp đó, Bác nêu ra lý do “dân ghét”: “dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền”, “ông tỉnh trưởng kia vác ôtô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều. Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ”.

Kết thúc bài báo, Bác chỉ ra yêu cầu, cách thức để các “ông chủ tịch, ông ủy viên” được dân yêu, được lòng dân gồm:

Thực hiện phương châm hành động: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Những vấn đề “quan hệ tới đời sống của dân”, các ông chủ tịch, các ông ủy viên “phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng”.

Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới.

Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo.

Phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân.

Về tác phong, phong cách của “các ông chủ tịch, các ông ủy viên”, Bác chỉ rõ: “đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”. Phải có một tinh thần chí công vô tư: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”.

Bài báo cách đây 69 năm của Bác gần 500 từ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ là những lời dạy bảo vừa nghiêm khắc vừa ân cần với mọi người, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Ngày nay, đọc lại bài báo, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học về thực hành văn hóa:

“Các ông chủ tịch, các ông ủy viên” nhận được ở Bác lời cảnh báo về tha hóa quyền lực (văn hóa chính trị) nếu quyền lực không được kiểm soát và bản thân, gia đình không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Cán bộ, công chức, viên chức nhận được ở Bác lời dạy về thực hành văn hóa ứng xử. Bác dạy cán bộ, công chức, viên chức cách ứng xử với người dân khi họ có đơn từ, có khiếu nại, có đề xuất với chính quyền: “Phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”. Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa là con người, con người tự do và có nhân cách. Vì vậy, một người biết trọng nhân cách của người khác là người có văn hóa.

Ngày nay, nhiều ý kiến cho rằng: cán bộ, công chức nhà nước, nhất là những người có “chức trọng, quyền cao” cần phải học tập, rèn luyện để có kiến thức văn hóa tổng hợp (văn hóa chính trị, văn hóa giáo dục, văn  hóa văn nghệ, văn hóa đạo đức, văn hóa tôn giáo, văn hóa quân sự, văn hóa ngoại giao…). Nhờ có kiến thức văn hóa tổng hợp mà người lãnh đạo có nhãn quan xa rộng, có phương pháp tư tưởng khoáng đạt, có khả năng lắng nghe những ý kiến khác nhau để đi đến chân lý. Họ không bao giờ tự cho ý kiến của mình là duy nhất đúng (nghĩ như vậy là lấy quyền lực thay cho trí tuệ) mà phải biết “nhân nhượng” – giảm bớt yêu cầu cứng nhắc của mình để thỏa mãn yêu cầu chính đáng của người dân.

Bác dạy cán bộ, công chức, viên chức (nhất là những người có chức, có quyền) ứng xử với xã hội về cái “danh” và cái “lợi”. “Nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”. Đây là cách ứng xử phù hợp với lẽ tự nhiên. “Lên, xuống, vào, ra” cũng như “đồng hóa, dị hóa” là quy luật của muôn đời trong giới tự nhiên và xã hội.

Thực hiện lời Bác dạy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ vô cùng thanh thản khi tổ chức phân công công việc cho mình trong quá trình: “Chấp đơn, xử kiện, cứu tế, trừ nạn mù chữ cho dân” để “được lòng dân”.

“Sao cho được lòng dân?”, câu hỏi thường trực cần có của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước chúng ta.

Trương Tử Kỳ

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, trang 51.


Ý kiến bạn đọc