Multimedia Đọc Báo in

Huy động nội lực, thu hút đầu tư để xây dựng TP.Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

09:45, 21/11/2014

Ngày 22-11-2014, TP. Buôn Ma Thuột kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển. Năm 2014 cũng là năm thứ 4 thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020). Phóng viên Báo Dak Lak đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Tượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột về vấn đề này.

* Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật sau 4 năm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên?

Ngày 27-11-2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 60-KL/TW, sau đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU và Thành ủy Buôn Ma Thuột cũng ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/TU nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị vào nhiệm vụ cụ thể của thành phố. Trên cơ sở đó, thành phố đã kịp thời điều chỉnh các quy hoạch, trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 và một số quy hoạch khác. Cùng với đó, trong những năm qua TP. Buôn Ma Thuột đã được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng để từng bước đáp ứng yêu cầu đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên về hạ tầng giao thông (đường bộ, đường không); giáo dục và đào tạo; y tế; dịch vụ (du lịch, tài chính, viễn thông, vận tải...); khoa học công nghệ... Chính vì vậy, trong điều kiện hết sức khó khăn của nền kinh tế cả nước và của tỉnh những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột vẫn đạt mức tăng trưởng khá với con số xấp xỉ 13%/năm; cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển tiến bộ, dự kiến cuối năm nay tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 42,1%; dịch vụ 51,5%; nông nghiệp 6,4%. Song song đó, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân trên đầu người cuối năm 2014 ước đạt 47,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%. Đô thị Buôn Ma Thuột không ngừng được chỉnh trang, nhiều năm liền được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận là một trong 10 đô thị xanh - sạch - đẹp nhất của cả nước. Phong trào nông thôn mới cũng khởi sắc, trong năm nay sẽ có 2 xã được công nhận xã nông thôn mới và dự kiến năm 2015 sẽ có thêm 1 xã được công nhận. Bên cạnh đó hệ thống chính trị và quốc phòng an ninh luôn được tăng cường đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Một góc TP. Buôn Ma Thuột. 	Ảnh: H.G
Một góc TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: H.G

* Như vậy mục tiêu “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trước năm 2020” mà Kết luận số 60-KL/TW đặt ra liệu có thể đạt được không, thưa đồng chí? Những khó khăn nào mà thành phố đang gặp phải trong việc thực hiện mục tiêu này?

Mục tiêu mà Kết luận số 60-KL/TW đặt ra trong thời kỳ tốc độ phát triển kinh tế của cả nước và của tỉnh Dak Lak nói chung, của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng là rất cao: giai đoạn 2005-2010, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 17%, đầu tư công lớn và thu hút đầu tư khá thuận lợi. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn hiện nay tình hình đã khác trước, suy thoái kinh tế đã tác động kéo dài nhiều năm, đầu tư công bị cắt giảm; nguồn thu ngân sách thành phố không đạt kế hoạch đề ra; sản xuất của doanh nghiệp bị đình đốn; thu hút đầu tư khó khăn, thậm chí nhiều dự án đã đầu tư đều bị kéo dài thời gian, có một số dự án không được triển khai nên mục tiêu đề ra “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trước năm 2020” khó có khả năng đạt được. Tuy khó đạt được vị trí trung tâm trên các lĩnh vực theo yêu cầu của Bộ Chính trị song có một số lĩnh vực có thể hy vọng đạt được. Chẳng hạn, về y tế thì rõ ràng Buôn Ma Thuột đã là trung tâm vùng rồi: Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang được xây dựng và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian tới; một số bệnh viện chuyên khoa cũng đã được các nhà đầu tư triển khai xây dựng như Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, Bệnh viện Ngoại sản và sắp tới dự kiến sẽ có bệnh viện về chuyên khoa ung bướu, nhi... Về giáo dục, tại TP. Buôn Ma Thuột đã có Trường Đại học Tây Nguyên với quy mô lớn cả về ngành học và sinh viên; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Dak Lak và Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên dự kiến cũng sẽ được nâng cấp lên thành trường đại học; ngoài ra Trường Đại học Buôn Ma Thuột cũng đã được cấp phép thành lập. Hay về khoa học kỹ thuật, tại thành phố cũng đã có các trường, viện được đầu tư xây dựng mang quy mô cấp vùng như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên...; sắp tới một số viện nghiên cứu cũng sẽ được xây dựng tại đây, trong đó đã có chủ trương xây dựng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

Người dân xã Ea Tu chung sức làm đường giao thông nông thôn.   Ảnh: H.G
Người dân xã Ea Tu chung sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.G

* TP. Buôn Ma Thuột đến nay đã tròn 110 năm tuổi. Theo đồng chí, cần tập trung vào những giải pháp gì để khai thác tốt những tiềm năng và lợi thế của thành phố? 

110 năm hình thành và phát triển của TP. Buôn Ma Thuột luôn gắn liền với lịch sử phát triển của tỉnh và đất nước. Có thể nói tiềm năng và lợi thế của Buôn Ma Thuột rất lớn, đó là vị trí địa lý so với tỉnh, so với khu vực Tây Nguyên và là một trong những địa danh nổi tiếng trên thế giới với những dấu ấn như: Chiến thắng lịch sử 10-3-1975, thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới, văn hóa truyền thống đặc sắc của người Êđê bản địa... Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực mà Bộ Chính trị đã đề cập trong Kết luận 60-KL/TW: “...tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao”. Đảng bộ, quân và dân TP. Buôn Ma Thuột trước hết phải nhận thức được tiềm năng và lợi thế đó; kiên trì huy động và phát huy nội lực trong nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh (cả về cơ chế, chính sách và nguồn vốn đầu tư); thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư các hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, tạo nên hạ tầng đồng bộ và đảm bảo mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Song song với đó là tập trung xây dựng hệ thống chính trị ngày một vững mạnh, đặc biệt là thực hiện tốt hai khâu: Cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở (thành phố dự kiến sẽ tập trung xây dựng nền hành chính điện tử từ năm 2015) và xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời phải giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chú trọng giữ gìn, bảo tồn nét đặc trưng văn hóa “thành phố trong buôn và buôn trong thành phố” của Buôn Ma Thuột. Theo đó, năm 2015, thành phố sẽ đề xuất với tỉnh, đồng thời đề ra chính sách hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa hiện có như nhà dài, bến nước, cồng chiêng... Hiện nay, Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo tiến hành khảo sát để giữ gìn các khu rừng quanh bến nước ở các buôn đồng thời chọn một cụm buôn còn nhiều nhà dài truyền thống để bảo tồn.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Lã Hồng Thủy (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc