Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII: Nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực thi nhiệm vụ
Chiều 12-12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phần đăng đàn trả lời chất vấn của lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương, Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl giải trình thêm một số nội dung tại phiên chất vấn |
Nội dung chất vấn đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trang Quang Thành chủ yếu tập trung vào các nội dung: Tỷ lệ độ che phủ rừng không đạt kế hoạch; diện tích rừng giảm diễn ra nhiều năm nay chứ không phải riêng năm 2014 tại sao chưa có biện pháp khắc phục, cơ quan nào chịu trách nhiệm. Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết một trong những nguyên nhân tác động đến chỉ tiêu độ che phủ rừng và diện tích rừng giảm là do một số diện tích rừng nghèo cải tạo chuyển sang trồng cao su nhưng cao su chưa đủ 3 năm tuổi thì chưa được tính vào độ che phủ rừng; phương pháp kiểm tra thủ công trước đây dẫn đến sai số lớn; trước năm 2014, độ che phủ rừng được tính đối với 14 loại rừng nhưng từ năm 2014 giảm chỉ còn 9 loại rừng; cơ chế chính sách đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn có những bất cập; 26 nghìn dân di cư tự do thiếu đất ở đất sản xuất cũng là áp lực cho việc bảo vệ rừng; hiệu quả hoạt động của nhiều công ty lâm nghiệp còn hạn chế. Ông Thành cũng khẳng định việc quản lý bảo vệ rừng cần phải có sự hỗ trợ, cộng đồng trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương. Đại biểu cơ bản thống nhất với ý kiến giải trình của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên đại biểu đề nghị, việc kiểm kê, rà soát rừng không chỉ để thống kê số liệu mà phải có biện pháp xử lý, giải pháp quản lý sử dụng rừng hiệu quả hơn.
Phần đăng đàn trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trang Quang Thành |
Chất vấn đại diện Sở Công thương, đại biểu phản ánh về ảnh hưởng môi trường của Thuỷ điện Sêrêpôk 4A đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất người dân một số địa bàn của huyện Buôn Đôn; tình trạng gian lận thương mại. Đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho biết: để một dự án thuỷ điện đi vào hoạt động có sự phối hợp, tham gia, thẩm định của nhiều sở, ngành, trong đó có nội dung về đánh giá tác động của môi trường. Thời gian qua, chủ đầu tư đã chi trả 100% cho các hộ dân bị ảnh hưởng do nổ mìn trong bán kính 350 m với số tiền gần 2,8 tỷ đồng; đã xử lý ảnh hưởng thiệt hại cho 196 hộ bị ngừng sản xuất trong thời gian thực hiện việc nổ mìn. Riêng việc ảnh hưởng do đổ chất thải lên đất sản xuất của người dân, cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, xác minh số hộ và diện tích bị ảnh hưởng để lập phương án bồi thường, chi trả theo quy định. Về tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, Sở Công thương thừa nhận hiện nay vẫn còn tồn tại. Nhưng cái khó của ngành hiện nay là lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng này là phải tăng cường kiểm tra tại gốc, tạo môi trường kinh doanh có tính liên kết.
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương, ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc Sở trả lời chất vấn của đại biểu |
Thay mặt UBND tỉnh, phần đăng đàn trả lời ý kiến đại biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Y Dhăm Ênuôl được đại biểu đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch Thường trực đã rất thẳng thắn khi ghi nhận, tiếp thu và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt được trong năm 2014. Ngoài những nguyên nhân như đã phân tích, đánh giá trong báo cáo của UBND tỉnh, theo Phó Chủ tịch Thường trực còn do các cấp, các ngành trong thực thi nhiệm vụ chưa làm hết trách nhiệm, việc dễ thì làm, việc khó thì đùn đẩy. Điều này đặt ra vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Quản lý về mặt nhà nước trên địa bàn đối với một số nội dung, lĩnh vực còn buông lỏng, có tình trạng đổ lỗi, né tránh. Việc chủ trì, phối hợp giữa các sở, ngành với các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp còn có bất cập, thậm chí là bất cập kéo dài. Chất lượng đội ngũ cán bộ có vấn đề, chưa nhiều nhưng cũng có hiện tượng “lạm phát” cấp phó. Về nguyên nhân do khâu tổ chức cán bộ dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ như đặt vấn đề của một số đại biểu, theo Phó Chủ tịch Thường trực là đúng. Về trách nhiệm UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Y Dhăm Ênuôl đã thẳng thắn thừa nhận là cũng chưa cương quyết, lẽ ra phải xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ đến đâu. Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015, ông cũng đề nghị từng cấp, ngành, địa phương, cá nhân, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải thực sự nghiêm túc rà soát lại tất cả các nội dung vấn đề mà kỳ họp đã nêu, từ đó đề ra hướng khắc phục cụ thể.
Đàm Thuần – Hồng Thuỷ
Ý kiến bạn đọc