Multimedia Đọc Báo in

Đóa hoa tươi dâng Đảng quang vinh

10:33, 03/02/2015

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc. 85 mùa Xuân qua với biết bao biến động thăng trầm của lịch sử, nhưng với bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, làm nên những kỳ tích vĩ đại. Đối với Dak Lak dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân các dân tộc trong tỉnh cũng đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, tuy lúc đó Dak Lak chưa có cơ sở Đảng nhưng đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nghe theo tiếng gọi của Đảng nổi dậy đấu tranh chống áp bức, cường quyền. Đặc biệt, vào cuối năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh do những chiến sĩ cộng sản bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột thành lập, trở thành dấu mốc lịch sử của Đảng bộ tỉnh và từ đó trực tiếp lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

TP. Buôn Ma Thuột phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. (Trong ảnh: Ngã Sáu Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia
TP. Buôn Ma Thuột phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. (Trong ảnh: Ngã Sáu Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Tháng 8 năm 1945, hòa trong khí thế tiến công vùng lên của nhân dân từ Bắc chí Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Dak Lak đã khởi nghĩa giành chính quyền và mở ra một trang sử mới: đất nước độc lập, tự do, nhân dân tự làm chủ vận mệnh của mình. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng bào các dân tộc Dak Lak đã đoàn kết, chung sức xây dựng chế độ mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hăng hái tham gia củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, chống giặc đói, giặc dốt. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, được sự chi viện của đồng bào cả nước, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ Dak Lak tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ sau 1954, đất nước lại bị kẻ thù chia cắt, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược là đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù vô cùng tàn bạo và xảo quyệt, dùng hết chiến lược này đến chiến lược khác để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân. Bên cạnh kẻ thù Mỹ - ngụy, Dak Lak còn phải đối phó với một lực lượng phản động có vũ trang là FULRO được Mỹ nuôi dưỡng, giúp đỡ, làm cho tình hình chính trị, quân sự trong tỉnh thêm khó khăn, phức tạp. Với truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột 10-3-1975, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa.

Đến nay, trải qua 40 năm giải phóng, đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ Dak Lak đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh, phát huy tinh thần chiến thắng 10-3, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu to lớn và rất quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Những ai đến với Dak Lak-Buôn Ma Thuột hôm nay chắc sẽ rất ngỡ ngàng với sự đổi thay từng ngày của một tỉnh Cao nguyên. Từ vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng kinh tế hầu như chưa có gì, đời sống của người dân quanh năm đói khát, thiếu lương thực triền miên thì nay đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên; từ một địa danh còn xa lạ thì hôm nay Buôn Ma Thuột-Dak Lak đã trở nên thân quen, ấn tượng sâu sắc trong mắt bạn bè, du khách gần xa.

Những năm gần đây, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước nhưng nền kinh tế của tỉnh liên tục giữ vững được tốc độ tăng trưởng khá. Riêng năm 2014, tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 1994) đạt 8,4%; đời sống vật chất của nhân dân cơ bản được ổn định; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,75% (giảm 2,1% so với năm 2013); thu nhập bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng; tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 3.300 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước kịp thời, hiệu quả, bảo đảm quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở luôn được chú trọng quan tâm, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với việc học tập và làm theo tấm gương  đạo đức Hồ Chí Minh đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả rõ rệt…

 Những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Dak Lak đạt được trong quá trình đấu tranh giải phóng và xây dựng quê hương  như một đóa hoa tươi thắm trong muôn ngàn bông hoa của những người dân đất Việt dâng lên Đảng quang vinh tròn 85 mùa Xuân.

Bước sang năm 2015, năm có ý nghĩa rất quan trọng của cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng, đặc biệt là đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng với các phương hướng, mục tiêu phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, giữ trọn niềm tin sắt son để thi đua phấn đấu đạt những thành tựu to lớn hơn, tạo thế và lực mới cho tỉnh nhà trên chặng đường phát triển tiếp theo.

Nhìn lại 85 mùa Xuân của Đảng và lịch sử Đảng bộ Dak Lak, chúng ta tin tưởng về một tương lai tươi sáng của dân tộc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chắc chắn sớm trở thành hiện thực.

Xuân Toản


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.