Nâng cao hiệu quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với hoạt động tư pháp và công tác tiếp dân
Trong những năm qua, công tác giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) đối với hoạt động tư pháp và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng tạo niềm tin cho người dân vào các cơ quan dân cử.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết: Kể từ Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đến nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, phát huy hiệu lực, hiệu quả giám sát, chú trọng cải tiến phương thức, tập trung đi vào chiều sâu. Hằng năm, Ban Pháp chế HĐND đều xây dựng kế hoạch công tác, trong đó có nội dung giám sát công tác tư pháp; thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trước mỗi kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh, Ban Pháp chế tiến hành làm việc trực tiếp với các cơ quan tư pháp để thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp; đồng thời tập trung theo dõi, giám sát các nội dung liên quan đến cải cách tư pháp như: Việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp; tình hình thực hiện nhiệm vụ sau khi tăng thẩm quyền cho các cơ quan tư pháp cấp huyện; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tình hình xây dựng đề án thành lập tòa án sơ thẩm khu vực; việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà cử tri quan tâm.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý án treo và cải tạo không giam giữ tại Công an TP. Buôn Ma Thuột. |
Hằng năm, Ban Pháp chế luôn chủ động hoặc phối hợp với Thường trực HĐND thành lập các Đoàn giám sát, thực hiện kế hoạch giám sát theo chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình giám sát, các thành viên trong Đoàn đã trực tiếp tham gia ý kiến, gợi ý những biện pháp tháo gỡ khó khăn giúp các ngành, đơn vị, địa phương tự điều chỉnh, bổ sung các hoạt động của mình theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ban cũng chú trọng đổi mới phương pháp đánh giá, nhận định trong các báo cáo kết quả giám sát, thẩm tra, bảo đảm sát đúng tình hình, kết quả hoạt động của các ngành, đơn vị, địa phương để có kiến nghị xác đáng, phù hợp nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn và giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật. Để có thêm những kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Ban Pháp chế tỉnh với 15 Ban Pháp chế HĐND các huyện, thị xã, thành phố định kỳ 2 lần/năm.
Theo thống kê của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trung bình mỗi năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp khoảng 3.000 lượt công dân với gần 2.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đối với công tác giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hằng năm, sau khi nhận các đơn thư của công dân, Ban Pháp chế gửi trực tiếp cho bộ phận chuyên trách tổng hợp và chuyển đơn đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Song song với đó, bộ phận chuyên trách thường xuyên đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết đơn thư, đồng thời thông tin lại để công dân biết. Để thực hiện tốt công tác thẩm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, Ban Pháp chế thường xuyên khảo sát, nắm thông tin tại một số địa phương cũng như nghiên cứu các báo cáo liên quan, qua đó kịp thời ban hành các đề xuất, kiến nghị cũng như theo dõi việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị. Chính từ những cách làm này đã giúp Ban Pháp chế kiểm soát và đôn đốc được một số trường hợp khiếu nại phức tạp, kéo dài của công dân để các cấp chính quyền giải quyết thỏa đáng. Điển hình như trường hợp của bà Thái Thị Xuân Lan (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) khiếu kiện Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình Thủy điện Sêrêpôk 3 (huyện Buôn Đôn). Cụ thể, năm 2008 và 2009, gia đình bà bị thu hồi tổng cộng 11 ha đất nông nghiệp ở xã Tân Hòa và Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) để thi công lòng hồ thủy điện và lấy đất bố trí tái định canh.
Tuy nhiên, gia đình bà không được bồi thường thỏa đáng và không được bố đất tái định canh (Báo Dak Lak đã có nhiều bài viết phản ánh). Qua công tác giám sát cũng như kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, vụ việc của bà Lan đến nay đã được giải quyết, gia đình bà đã được bố trí lại 2 lô đất, số diện tích bị thu hồi được đền bù theo quy định của pháp luật...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động giám sát và công tác tiếp dân của Ban Pháp chế vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Bộ phận chuyên trách quá mỏng, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm … nên các hoạt động giám sát chưa sâu; nhiều đơn thư khiếu nại của công dân còn dây dưa, kéo dài; một số vụ việc phức tạp vẫn chưa giải quyết dứt điểm… Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, trong thời gian tới Ban Pháp chế HĐND sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát và tiếp dân bằng sự chủ động và phối hợp tốt với các cơ quan liên quan; tập trung, đi sâu vào các vấn đề mà xã hội đang quan tâm; kiên trì bám vào các kiến nghị đồng thời theo dõi việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị để có các kiến nghị tiếp theo,…góp phần tạo niềm tin cho người dân vào các cơ quan dân cử.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc