Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn hợp tác toàn diện giữa Dak Lak và các tỉnh của Vương quốc Campuchia

08:57, 25/05/2015

Đầu tư xây dựng cửa khẩu, phục vụ hợp tác phát triển kinh tế; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký; tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Dak Lak được khảo sát trên lãnh thổ của các tỉnh nước bạn để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thủy điện, du lịch… là những dấu ấn trong chương trình hợp tác phát triển toàn diện giữa Dak Lak và các tỉnh của Vương quốc Campuchia trong những năm qua.

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

Theo đánh giá của UBND tỉnh, các chương trình hợp tác kinh tế đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 bên. Trong đó, phải kể đến các dự án hợp tác nông, lâm nghiệp đang được Công ty Cao su Dak Lak đầu tư tại tỉnh Mondulkiri và Rattanakiri. Cụ thể, dự án phát triển cây cao su và một số cây công nghiệp tại Mondulkiri, với tổng mức đầu tư đăng ký 10 triệu USD, đến nay, Công ty đã trồng được 1.842,2 ha, đạt 92% kế hoạch. Tổng số lao động phục vụ cho dự án là 154 người, trong đó có 131 người Campuchia, thu nhập của cán bộ gián tiếp bình quân 1.200.000 riel/người/tháng (tương đương 6.000.000 VNĐ); lao động trực tiếp là 600.000 riel/người/tháng (tương đương 3.000.000 VNĐ). Trong quá trình triển khai dự án, Công ty đã hỗ trợ xây dựng trường học cho huyện Cô Nhét (trị giá 54.350 USD); làm đường cấp phối cho xã Buxara (10 km – tổng giá trị 7.500 USD); tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân xã Burasa; xây dựng các công trình hạ tầng (giá trị khoảng 6.000 USD)... Dự án đầu tư trồng cao su tại tỉnh Rattanakiri, với tổng vốn đầu tư đăng ký 700 tỷ đồng, đến nay, công ty đã trồng mới được 5.578 ha, giải quyết việc làm cho 371 lao động, trong đó có 265 lao động Campuchia. Trong quá trình triển khai dự án, Công ty đã hỗ trợ quỹ khuyến học, Chữ Thập đỏ, xây nhà cho người nghèo... tại địa phương, với tổng giá trị là 93.075 USD. Ngoài ra, dự án đầu tư trồng 7.000 ha cao su tại xã Seda, huyện Lumphat, tỉnh Rattanakiri, do Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo làm chủ đầu tư, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2013, với tổng vốn dự kiến 71 triệu USD, dự kiến thời gian thực hiện dự án là 80 năm, hiện dự án đang trong giai đoạn kiến thiết. Có thể nói, vượt qua những thách thức ban đầu, đến nay, dự án đầu tư phát triển cây cao su và một số cây công nghiệp của Công ty cao su Dak Lak tại 2 tỉnh Mondulkiri và  Rattanakiri đã bước đầu mang lại hiệu quả, phủ xanh nhiều triền núi, góp phần cải thiện đời sống người dân nước bạn.

Lễ khởi công xây dựng mốc 42.    Ảnh: Văn Nhương
Lễ khởi công xây dựng mốc 42. Ảnh: Văn Nhương

Đầu tư xây dựng cửa khẩu đang được khẩn trương xúc tiến

Năm 2007, Cửa khẩu Dak Ruê – Chi Miết nằm trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp (tiếp giáp với huyện Cô Nhéc, tỉnh Mondulkiri) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia. Đây là cửa khẩu tiềm năng cho 2 nước giao thương hàng hóa, nhất là các sản phẩm thế mạnh nông, lâm sản. Đặc biệt, sau khi Quốc lộ 29 từ cảng Vũng Rô (Phú Yên) hoàn thành, cửa khẩu này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế giữa Campuchia với Dak Lak cũng như các tỉnh Nam Trung bộ. Năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 3535/QĐ – UBND, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm cửa khẩu Dak Ruê, với diện tích hơn 60 ha, là khu kinh tế, thương mại dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1490/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia đến năm 2020; theo đó cửa khẩu Dak Ruê nằm trong danh mục các cửa khẩu ưu tiên mở, nâng cấp hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị theo phân kỳ đầu tư, sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2013 – 2015 và được đầu tư nâng cấp từ  2016 – 2020. Hiện tỉnh đang chỉ đạo xây dựng phương án khai trương cửa khẩu Dak Ruê – Chi Miết theo tiến độ. Để cửa khẩu sớm đi vào hoạt động, năm 2014, UBND tỉnh đã có 2 văn bản (2705/UBND-TH, ngày 24-4-2014 và 2699/UBND-CN ngày 24-4-2014) gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông từ huyện Cô Nhéc (Campuchia) đến cửa khẩu Chi Miết-Dak Ruê (dài 67 km) và hỗ trợ kéo điện lưới cho 3 đồn Ô Rô, Mê Rúch, Cô Bak Đom Rây của tỉnh Mondulkiri; đầu tư xây dựng một phần Quốc lộ 29, đoạn qua tỉnh Dak Lak (dài 50 km). Ngày 12-6-2014, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý chủ trương hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường từ cửa khẩu Dak Ruê đi xã Chi Miết tại Công văn 4298/VPCP-KTTH), giao UBND tỉnh chủ động làm việc với các Bộ ngành liên quan để thống nhất nội dung và phương án hỗ trợ tỉnh Mondulkiri đầu tư xây dựng tuyến đường. Trên cơ sở đó, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Mondulkiri để tỉnh này kiến nghị Chính phủ Campuchia về nội dung trên. Bên cạnh đó, để góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ngang tầm mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” như thỏa thuận của Chính phủ hai nước, chính quyền địa phương 2 tỉnh Dak Lak và Mondulkiri đã tiến hành các hoạt động phân giới cắm mốc biên giới. Đến nay, trên tuyến biên giới của Dak Lak đã cắm được 5/7 vị trí mốc, đồng thời tiến hành khảo sát biên giới song phương đã phân giới đoạn từ mốc 44 đến tiếp giáp tỉnh Dak Nông dài khoảng 39 km; phối hợp đoàn công tác đặc biệt tiến hành khảo sát và đối chiếu tất cả các cồn bãi trên đoạn biên giới 39 km...

Như sự tin tưởng của lãnh đạo chính quyền 2 tỉnh Dak Lak và Mondulkiri tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện vào năm 2014, mối quan hệ hợp tác tiếp tục được nâng lên tầm cao mới, góp phần củng cố, vun đắp thêm mối quan hệ hữu nghị, láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc