Hội nghị triển khai các luật mới ban hành
Sáng 7-5, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai các luật mới ban hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, các sở ban ngành, đoàn thể, của tỉnh; thành viên Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND và Phòng Tư pháp của các huyện, thị xã và thành phố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu phát biểu tại Hội nghị |
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ ngày 20-10 đến 28-11-2014) đã thông qua 18 luật, trong đó có 3 luật được ban hành mới; 10 luật được ban hành để thay thế và 5 luật được ban hành để sửa đổi, bổ sung. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được đại diện Sở Tư pháp, Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh giới thiệu về các luật: Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Luật Hộ tịch có 7 chương, 77 điều quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Luật Hộ tịch được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua, nhất là khi Hiến pháp năm 2013 được triển khai thi hành với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Luật Căn cước công dân gồm 6 chương, 39 điều quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật được ban hành nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về căn cước công dân, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch, đi lại; đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước công dân trong tình hình mới.
Sau 7 năm thực hiện (từ 2006), Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, chế bộ bảo hiểm xã hội một số quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế và bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 với 9 chương, 125 điều, được ban hành để thay thế Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu nhấn mạnh, trong thời gian tới, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch và các biện pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các luật mới ban hành đến cán bộ, công chức và nhân dân. Sở Tư pháp cần đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn với việc xây dựng các chương trình, chuyên mục giới thiệu, giải đáp pháp luật…
Ý kiến bạn đọc