Thực hiện dân chủ về kinh tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới
Tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng quan liêu, dân chủ biến thành vô chủ, dân chủ hình thức... trong bước đầu cả nước quá độ lên CNXH là những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ, trong đó, trước hết là do sự lạc hậu về nhận thức lý luận của Đảng. Vì thế, trước hết Đảng phải đổi mới tư duy, nhận thức về vấn đề xây dựng các điều kiện để thực hiện dân chủ XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Muốn vậy, Đảng “phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”(2) trong đó có tư tưởng, lý luận về dân chủ XHCN. Trên cơ sở đó, Đại hội VI đặt vấn đề giải phóng sức sản xuất; bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư; xây dựng, hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; khẳng định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội... Từ Đại hội VI đến nay, sau gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đã hình thành một hệ thống quan điểm lý luận mới về xây dựng điều kiện kinh tế để thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực kinh tế của đất nước. Lý luận ấy chính là sự trở về, tiếp tục, vận dụng và phát triển lý luận dân chủ của Chủ nghĩa Mác - Lênin (nhất là Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin) và tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới ở Việt Nam.
Nhờ vậy, trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quá trình dân chủ hóa đời sống kinh tế của đất nước đã đạt được những thành tựu nổi bật. Việc xác lập, phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ tạo ra môi trường kinh tế, pháp lý thuận lợi: thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu của tất cả mọi người và quyền tự do sản xuất kinh doanh; chống độc quyền, dỡ bỏ rào cản và những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm cho các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trở thành “sân chơi” dân chủ, bình đẳng cho mọi người, mọi nhà, mọi thành phần, mọi chủ thể kinh tế phù hợp với điều kiện đất nước và xu hướng vận động phát triển tiến bộ của thế giới. Nhờ đó, nền kinh tế đất nước từng bước thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng và đến nay đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, việc tạo lập điều kiện kinh tế và thực hiện dân chủ XHCN về kinh tế ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế. Thể chế kinh tế thị trường gồm cả hệ thống pháp luật và các chính sách của Nhà nước còn thiếu đồng bộ, nhất quán, có những điểm chưa phù hợp. Nhiều nguồn lực, tiềm năng về vật chất và tinh thần để phát triển kinh tế trong nhân dân chưa được khai thác, phát huy một cách hiệu quả. Tính tự phát trong sản xuất kinh doanh còn phổ biến. Mức sống của nhân dân, nhất là nông dân ở một số địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn quá thấp. Chính sách tiền lương và phân phối thu nhập trong xã hội còn nhiều bất hợp lý. Thất nghiệp, việc làm không ổn định ở đô thị, thiếu việc làm ở nông thôn vẫn ở mức cao. Hiện tượng sản xuất vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh vẫn đang diễn biến phức tạp gây tổn hại cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, đến sự lành mạnh của nền kinh tế và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội...
Thiết nghĩ, để tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong kinh tế, cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm dân là chủ, dân làm chủ; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn; bảo đảm dân chủ trong kinh tế gắn liền với dân chủ trong chính trị, văn hóa, xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xã hội dân sự theo định hướng XHCN và nền văn hóa XHCN tiên tiến đậm đà bản sắc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước pháp quyền XHCN phải làm tốt vai trò kiến tạo phát triển(3) thông qua hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp. Trong đó, bảo đảm: (1) Giải quyết hài hòa các quan hệ về lợi ích của các thành phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa chủ và thợ, giữa lợi ích của công nhân, nông dân, trí thức, doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước, lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích quốc gia và quốc tế; (2) Kinh tế nhà nước thực sự “giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật”(4) để nó làm đúng vai trò chủ đạo của mình đối với nền kinh tế quốc dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 tại điều 51; (3) Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; trong đó, cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác phù hợp để tăng gia sản xuất, phát triển sản xuất nhằm mang lại no đủ, giàu có, thịnh vượng, công bằng, tiến bộ, hạnh phúc cho đa số nhân dân lao động; (4) Các tổ chức xã hội dân sự có điều kiện hợp tác, hỗ trợ nhà nước, khi cần thiết có thể đấu tranh với nhà nước và với các thế lực tự phát của thị trường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…
ThS. Nguyễn Anh Tuấn
(Trường Đại học Tây Nguyên)
-------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tr 590; 75.
(2), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr 133; 721.
(3) Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, http://baodientu.chinhphu.vn/Tieu-diem/Thong-diep-nam-moi-cua-Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung/190279.vgp
Ý kiến bạn đọc