Multimedia Đọc Báo in

Tự hào truyền thống Anh hùng H9 - Krông Bông

11:26, 06/05/2015

50 năm sau ngày giải phóng, truyền thống hào hùng của căn cứ  cách mạng H9 - Krông Bông đang được viết tiếp bằng những nỗ lực, sự quyết tâm và tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, từng bước đưa vùng đất này trở nên giàu mạnh.

Vùng đất Anh hùng

Huyện Krông Bông có địa hình hiểm trở, vị trí quan trọng về nhiều mặt nên trong thời kỳ chống Mỹ – ngụy, Tỉnh ủy Dak Lak đã chọn nơi đây xây dựng thành vùng căn cứ kháng chiến (có mật danh là H9). Giai đoạn trước 1965 địch tổ chức nhiều đợt càn lớn vào H9.  Ngoài lực lượng bảo an quận Phước An, địch còn huy động Sư đoàn 23 (đóng ở Buôn Ma Thuột) sử dụng máy bay, pháo lớn tấn công vào vùng căn cứ hòng đè bẹp lực lượng cách mạng. Song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Mặt trận B5, quân và dân H9 đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Giữa những năm 1960, quân chủ lực Liên tỉnh 4 và B5 đánh vào buôn Khanh và Chi khu Lạc Thiện, địch bị thất bại và hoang mang, chớp lấy thời cơ này, quân và dân H9 đã đồng loạt nổi dậy, giải phóng 5 xã phía Đông của quận Phước An, giải tán bộ máy ngụy quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Đây là vùng giải phóng đầu tiên mở ra thuận lợi mới, thời cơ mới cho phong trào cách mạng của địa phương. Trước sự phát triển và lớn mạnh của phong trào cách mạng, địch càng hoang mang, lo sợ nên đã mở nhiều đợt càn quét ác liệt vào vùng giải phóng H9 hòng dập tắt phong trào. Nhưng với ý chí bám đất giữ làng, một tấc không đi, một ly không rời, quân và dân H9 đã kiên cường giáng trả, làm thất bại nhiều trận càn lớn, nhỏ của địch. Tháng 2-1965, quân và dân H9 đánh bại trận càn lớn của Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23) tại Khuê Ngọc Điền tiêu diệt 1 đại đội địch. Phát huy khí thế sôi sục trước thắng lợi trên, nhân dân khắp nơi trong huyện nổi dậy diệt ác phá kiềm, giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 9-5-1965, H9 hoàn toàn được giải phóng.

Đồng chí Bạch Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Krông Bông (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ xã Hòa Phong nhiệm kỳ 2015 - 2020.    Ảnh: Kim Oanh
Đồng chí Bạch Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Krông Bông (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ xã Hòa Phong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Kim Oanh

Ở vùng đất anh hùng, có những trang sử được viết nên bởi những tấm gương cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng về xây dựng, phát triển phong trào, khai thông tuyến giao liên Nam – Bắc, nối liền các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thời kỳ 1965-1969 là giai đoạn công tác hậu cần rất khó khăn, đói cơm, lạt muối, thiếu thuốc chữa bệnh… Tình trạng này có lúc kéo dài 5 - 6 tháng, đồng bào các dân tộc vùng căn cứ phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ nhưng vẫn nhường cơm, sẻ áo cho thương binh, cán bộ, bộ đội... Có thời điểm chiến trường ác liệt, địch áp đảo, đánh bật các đơn vị bạn ra khỏi địa bàn, mất đất, bạn phải về H9 xây dựng, củng cố lại lực lượng. Nhân dân, lực lượng vũ trang H9 đã giúp đỡ, cưu mang, cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, kể cả nhân lực để các đơn vị bạn trở lại địa bàn bám trụ chiến đấu lâu dài. Vùng căn cứ H9 ngày càng được mở rộng và củng cố với  các bệnh xá, khu an dưỡng chữa trị thương binh, các trường huấn luyện cán bộ, xưởng chế tạo vũ khí -  công cụ sản xuất, trại giáo dục cải tạo binh lính địch… Đặc biệt, H9 là nơi có cơ quan Tỉnh ủy và các ngành của tỉnh làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây cũng là nơi đào tạo cán bộ, chiến sĩ để bổ sung, tăng cường cho các đơn vị trên các chiến trường; nhiều đồng chí trưởng thành, giữ các chức vụ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội và các ngành.

Với những công lao đóng góp to lớn đó, ngày 30-4-1996 Đảng bộ, quân và dân H9 - huyện Krông Bông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hai tập thể là Du kích xã Khuê Ngọc Điền và đơn vị An ninh nhân dân H9 cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2010, cán bộ, quân và dân huyện Krông Bông tiếp tục được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 5 xã vùng căn cứ cách mạng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vững bước đi lên

Phát huy sức mạnh tổng hợp, từ khi thành lập huyện (tháng 9-1981), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông luôn sát cánh cùng nhau vượt khó, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ chỗ thiếu lương thực triền miên phải nhờ trên chi viện, đến nay kinh tế - xã hội của huyện đã có bước phát triển khá. Năm 1981, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 8.796 tấn, bình quân lương thực đầu người 214 kg, đến nay tổng sản lượng lương thực đạt 93.579 tấn (tăng gấp 11,5 lần so với năm 1981), bình quân lương thực đầu người đạt trên 1.006 kg. Sản xuất hàng hóa phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến cuối năm 2014 còn 18,94%. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sinh hoạt, thủy lợi và các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, trụ sở cơ quan làm việc được đầu tư xây dựng khang trang. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển. Các chính sách an sinh xã hội: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ngày càng đạt hiệu quả. Lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, thông tin liên lạc, truyền thanh - truyền hình không ngừng phát triển.

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cùng người dân kiểm tra chất lượng lúa sau thu hoạch.  Ảnh: Gia Nguyên
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cùng người dân kiểm tra chất lượng lúa sau thu hoạch. Ảnh: Gia Nguyên

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng, huyện Krông Bông phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII. Cụ thể: bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định trên cơ sở chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp theo hướng đa dạng hóa; nhân rộng một số mô hình cây, con đạt hiệu quả kinh tế cao; chú trọng các mặt hàng nông sản có năng suất, chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; tăng vốn đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề… Với phương hướng và mục tiêu đó, năm 2015 huyện Krông Bông phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 12,15%; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa các công trình thủy lợi, nâng diện tích tưới tiêu chủ động, hạn chế rủi ro do thiếu nước, nâng cao giá trị sản xuất và an ninh lương thực, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn. Về văn hóa – xã hội, phấn đấu tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo đạt 98%, tỷ lệ học sinh học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98%; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% so với năm 2014. Đồng thời, giữ vững ổn định về chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; 90% trở lên tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, duy trì và giữ vững 100% thôn, buôn, tổ dân phố, trường học có đảng viên là người tại chỗ và 100% thôn, buôn, tổ dân phố, trường học có chi bộ đảng, phấn đấu 90% đảng viên trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát triển đảng viên mới đạt 100% chỉ tiêu...

50 năm đã trôi qua, H9 - Krông Bông ngày nay có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Ý Đảng hợp lòng dân, các chủ trương lớn của huyện đều được nhân dân đồng thuận và ủng hộ. Sức mạnh của tình đoàn kết, sự chung tay chia sẻ là cơ hội và nguồn lực để Krông Bông vững vàng hội nhập và phát triển, xứng đang với truyền thống vùng đất anh hùng. 

Bạch Văn Mạnh

(Bí thư Huyện ủy Krông Bông)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.