Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII: "Nóng" vấn đề nâng tỷ trọng ngành công nghiệp, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới

11:37, 10/07/2015

Theo chương trình làm việc, trong phiên thảo luận sáng nay (10-7) của Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII, một trong những nội dung được đại biểu quan tâm là các vấn  đề về chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; quản lý bảo vệ rừng; tái canh cà phê...

Các đại biểu tham dự Kỳ họp (Ảnh: H.G)
Các đại biểu tham dự Kỳ họp (Ảnh: H.G)

Đại biểu cho rằng trong xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng tỷ trọng ngành công nghiệp là chủ trương được tỉnh cũng như các địa phương rất quan tâm. Một trong những giải pháp để thực hiện chủ trương này là việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là vấn đề nguồn vốn bởi trên thực tế vẫn chủ yếu trông chờ vào trung ương. Quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp không nên nóng vội, địa phương nào cũng phải có khu công nghiệp mà cần căn cứ vào thế mạnh, tình hình thực tế tại mỗi nơi, tránh xây dựng khu công nghiệp rồi không biết đưa gì vào, không bảo đảm chất lượng hoạt động.

Ông Y Bier Niê, đại biểu của Thị xã Buôn Hồ phát biểu ý kiến
Ông Y Bier Niê, đại biểu HĐND thị xã Buôn Hồ phát biểu ý kiến (Ảnh: H.G)

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc phản ánh nhiều tiêu chí gặp khó khăn trong thực hiện, vấn đề huy động các nguồn lực được nhiều đại biểu đưa ra và phân tích. Có nhiều tiêu chí huy động sức dân thì tốt, nhân dân tích cực hưởng ứng nhưng nguồn vốn của nhà nước lại thiếu hoặc chậm nên dẫn đến khó về đích đúng kế hoạch. Xây dựng nông thôn mới, chủ thể là người dân cho nên đại biểu đề nghị cần có những cách thức tuyên truyền để nhân dân thực sự hiểu và cộng đồng trách nhiệm tham gia, qua đó huy động sức dân hiệu quả hơn. Cũng liên quan đến nội dung này, theo phân tích của một số đại biểu, việc chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân là yếu tố tạo hiệu ứng và có thể gỡ khó trong thực hiện nhiều tiêu chí. Cái đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống nhân dân chứ không hẳn là đô thị hóa nông thôn.

Ông Lê Văn Trung, đại biểu của TP. Buôn Ma Thuột phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường (Ảnh: H.G)
Ông Lê Văn Trung, đại biểu HĐND TP. Buôn Ma Thuột phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường (Ảnh: H.G)

Về vấn đề phát triển lâm nghiệp, đại biểu khẳng định đây là vấn đề nóng, theo đó Chính phủ và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên trong thực hiện các chương trình quản lý bảo vệ rừng còn có những bất cập. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xem xét lại một số chương trình trồng rừng bởi một số địa bàn, diện tích có thể khoanh nuôi tái sinh hiệu quả hơn là trồng mới. Trong xử lý các vi phạm, cần bảo đảm nghiêm minh, công bằng giữa người dân và doanh nghiệp. Đại biểu của huyện Ea H’leo nêu ví dụ cụ thể là có trường hợp người dân vi phạm việc phá, lấn chiếm đất rừng từ 0,5 ha trở lên đối với người dân thì bị khởi tố nhưng đối với doanh nghiệp vi phạm tài nguyên rừng lên đến 10,5 ha thì chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đối với chương trình về tái canh cà phê, đại biểu cho rằng đây là một chương trình mang tính mục tiêu nên về trình tự thủ tục phải bảo đảm đúng và có sự hướng dẫn thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.